Cách tiếp cận chung - Lợi thế cho quan hệ Việt Nam-New Zealand

Việt Nam và New Zealand có lợi thế là hai trong số các nền kinh tế hội nhập nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có một số hiệp định thương mại tự do chất lượng cao.
Cách tiếp cận chung - Lợi thế cho quan hệ Việt Nam-New Zealand ảnh 1Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson cho rằng việc cùng có cách tiếp cận chung trong chính sách kinh tế và thương mại cũng như ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cởi mở, minh bạch và tăng trưởng bao trùm chính là động lực cho sự tăng cường kết nối giữa Việt Nam và New Zealand trong thời gian qua.

“Theo quan điểm của tôi, đó là tín hiệu rất tốt cho cả hai quốc gia bước vào năm 2023 và tôi rất vui khi thấy rằng cả hai nước đều đang có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là Việt Nam,” Đại sứ Tredene Dobson nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn TTXVN nhân dịp Năm mới.

Theo bà Tredene Dobson, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua rất ấn tượng trong bối cảnh có sự suy giảm ở hầu hết các nơi trên thế giới.

[Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand]

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phản ánh cách tiếp cận của Chính phủ đối với việc phục hồi kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19, đó là dành ưu tiên đặc biệt cho phục hồi và các chính sách liên quan.

“Các nước như New Zealand và nhiều đối tác thương mại khác của Việt Nam cũng nhận thấy điều đó nên đã đáp ứng rất tích cực. Chúng tôi thấy sự gia tăng thực sự về mức độ tương tác - cả doanh nghiệp với doanh nghiệp lẫn chính phủ với chính phủ vì các quốc gia như chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam và tận hưởng một số lợi ích mà Việt Nam có được với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ,” bà Tredene Dobson khẳng định.

Đại sứ Tredene Dobson cho rằng Việt Nam và New Zealand có lợi thế là hai trong số các nền kinh tế hội nhập nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có một số hiệp định thương mại tự do chất lượng cao giúp hai nước xích lại gần nhau.

Hai nước đều là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA).

Ngoài ra, hai nước cùng là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trong khuôn khổ ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).

Hai nước có thể tận dụng những cấu trúc và khuôn khổ đó để đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2024.

“Nhưng chúng ta phải tập trung nỗ lực và tôi nghĩ rằng cả Việt Nam và New Zealand cần phải thực sự rõ ràng về cách chúng ta có thể sử dụng cấu trúc đó và các FTA để hỗ trợ các nhà xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu làm được như vậy, tôi cho rằng mục tiêu 2 tỷ USD là tham vọng nhưng có thể đạt được,” bà Tredene Dobson nhận xét.

Cách tiếp cận chung - Lợi thế cho quan hệ Việt Nam-New Zealand ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vẫy chào trước hội đàm tại trụ sở chính phủ ngày 14/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Theo bà Tredene Dobson, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và sau đó là chuyến thăm New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ năm 2022 đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của năm 2023.

Cả hai nhà lãnh đạo đã vạch ra định hướng rõ ràng để hướng tới mục tiêu thương mại 2 tỷ USD đó.

Chúc mừng Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại sứ Tredene Dobson cho biết Việt Nam được biết đến với nhiều đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế với sự tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

“Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã cho thấy mình có thể đảm bảo và hỗ trợ các quyền lợi về kinh tế, văn hóa và xã hội cho người dân nhờ chính sách hướng tới phát triển kinh tế mạnh mẽ. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm đó tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc,” Đại sứ Tredene Dobson nói.

Theo bà Tredene Dobson,biến đổi khí hậu là lĩnh vực mà hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

Cả Việt Nam và New Zealand đều đã đặt ra một số mục tiêu khá tham vọng về biến đổi khí hậu và đây là cơ hội để hai nước cùng hợp tác trong lĩnh vực này. Hai nước đã hợp tác tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó New Zealand sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này và thị trường carbon, một lĩnh vực mà hai nước cùng chia sẻ một số lợi ích chung.

Đại sứ Tredene Dobson cho biết đây là năm thứ hai bà ăn Tết ở Việt Nam và điều mà bà thực sự yêu thích là cảm giác ấm áp, cảm giác yêu thương và kết nối - đặc biệt là đối với các gia đình khi họ quây quần bên nhau vào thời điểm đặc biệt này, giống như lễ Giáng sinh ở New Zealand.

“Tôi thích tất cả các món ăn vào dịp Tết. Năm ngoái, tôi đã thử rất nhiều món ăn nên tôi hy vọng sẽ được nếm thử nhiều món ăn hơn nữa vào dịp Tết này,” bà Tredene Dobson chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục