Cách thức sản xuất thủ công, gần như độc nhất của làng gốm Thanh Hà

Đến nay làng gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.

Trải qua năm thế kỷ, đến nay gốm Thanh Hà (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không dùng khuôn.

Đặc biệt, các sản phẩm gốm Thanh Hà không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống để tạo sản phẩm sau nung có nhiều sắc màu khác nhau như vàng, đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng, đen...

Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, cách khu phố cổ Hội An hơn 3km về hướng Tây. Sử cũ kể rằng, đầu thế kỷ 16, các cư dân từ vùng Thanh Hóa di cư vào xứ Quảng mang theo nghề gốm dựng làng, xây lò, sản xuất những mặt hàng gốm gia dụng như nồi, bát, đĩa, ấm chén phục vụ cả một khu vực miền Trung Trung Bộ rộng lớn.

Gốm Thanh Hà thịnh vượng nhất vào khoảng thế kỷ 17-18 gắn với thương cảng Hội An. Các sản phẩm của làng gốm được lên thuyền đi khắp vùng xứ Quảng, Thừa Thiên, rồi lên cả tàu biển vượt đại dương đến Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha…

Nguyên liệu chính để làm ra những sản phẩm gốm Thanh Hà là đất sét nâu dọc sông thu Bồn. Đất sét lấy về được nhào nhuyễn rồi dùng kéo xén đất, cắt mỏng 3 đến 4 lần. Sau đó dùng sức người đạp đi đạp lại để tăng độ liên kết trước khi sử dụng để tạo dáng sản phẩm gốm.
Công đoạn chuốt đất (tạo hình sản phẩm) phải có hai người (thường do phụ nữ đảm nhận), một người đứng 1 chân còn chân kia đạp bàn xoay trong khi đó 2 tay nhào đất.
Khi đất đã được chuốt thành hình sẽ được đem ra phơi nắng.
Trang trí tùy ý theo từng mẫu sản phẩm.
Những sản phẩm gốm cứ lần lượt ra đời từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của những người thợ gốm Thanh Hà.
Gốm Thanh Hà được nung hoàn toàn bằng lò củi truyền thống. Ban đầu nhóm lửa khoảng 7-8 tiếng đồng hồ sau đó mới bắt đầu đốt thật lớn cho đến độ thì nghỉ lửa.
Trải qua năm thế kỷ, đến nay gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất: tạo hình bằng bàn xoay và tay, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.
Làng gốm Thanh Hà ở Hội An hiện là một địa điểm du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm.

Suốt mấy trăm năm qua, nghề gốm Thanh Hà có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu và sức sáng sạo của nghệ nhân làng gốm thì không bao giờ tắt. Đến nay làng gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.

Đặc biệt, người Thanh Hà nung gốm bằng kinh nghiệm và cảm giác trực quan về ngọn lửa chứ không không dùng đến các dụng cụ đo nhiệt. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chín ở xóm Nam Diêu cho biết, người làm nghề lâu năm chỉ cần nghe tiếng lửa réo, hơi nóng của lò phả ra cộng với thời gian đốt lò là biết gốm đã đủ độ chín hay chưa.


[Làng gốm Bồ Bát và ước mơ phục dựng thương hiệu nghìn năm tuổi]

Một điều đặc biệt nữa là gốm Thanh Hà do không dùng men và bất kỳ thứ hóa chất nào, chỉ dựa vào kinh nghiệm của người làm gốm khi pha trộn đất và sử dụng nhiệt độ nên sản phẩm sau nung có nhiều sắc độ màu khác nhau như vàng đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng, đen...

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài dòng sản phẩm truyền thống, các xưởng gốm ở Thanh Hà còn nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm tượng gốm mỹ thuật nhằm phục vụ du khách cũng như nhu cầu trang trí trong xây dựng.

Ngày nay, đến thăm làng gốm Thanh Hà, ngoài việc thỏa sức lựa chọn các đồ lưu niệm bằng gốm, du khách còn được tận mắt chứng kiến kỹ thuật làm gốm truyền thống vừa dân dã nhưng cũng vừa điêu luyện của các nghệ nhân làng nghề này./.

Những con vật quen thuộc được nặn thủ công bằng tay hoàn toàn.
Những chiếc lọ nhỏ bằng đất nung được tạo hình và trang trí hoa văn hết sức giản dị.
Những nhà vườn hiện đại ở Hội An ngày nay cũng sử dụng gốm Thanh Hà để trang trí, tạo cảnh quan rất độc đáo.
(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục