Theo mạng tin atimes.com, Phương Tây bị ám ảnh với Hồi giáo kể từ khi những dự báo về "sự đụng độ của các nền văn minh" của Samuel Huntington dường như đã trở thành “lời tiên tri” sau các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001.
Nhận thức và cách gọi về "Cuộc chiến chống Hồi giáo" giờ đây đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và ngày càng được xác định rõ trên cơ sở được xác định bởi bản sắc chính trị.
Những phân tích hời hợt và bị ảnh hưởng bởi tôn giáo ngày càng phổ biến trong các quan điểm của của phương Tây về hầu hết các vấn đề ở Trung Đông, từ sự chuyển giao quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến sự lớn mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.
Khuynh hướng đề cao vai trò của Hồi giáo chưa bao giờ thể hiện rõ ràng hơn khi người ta phân tích những mâu thuẫn giáo phái tại Trung Đông giữa những người Sunni và Shi'ite.
Theo cách hiểu đang thịnh hành, đó là "cuộc chiến nội bộ giữa những người Hồi giáo," xung đột của hai cộng đồng đối lập nhau từ thời thượng cổ.
Trong cuốn sách “Mapping the New Politics of the Middle East” (tạm dịch: Định hình bối cảnh chính trị mới tại Trung Đông), hai tác giả Nader Hashemi và Danny Postel đã nêu lên những nhận định của nhiều chính trị gia, nhà báo, và các chuyên gia, những người từng nhiều lần nhắc đến các xung đột không có hồi kết giữa những người Sunni và Shi'ite.
Lấy một ví dụ, Thượng nghị sỹ Mỹ Ted Cruz cho rằng “xung đột sắc tộc giữa người Sunni và người Shi’te đã bắt đầu từ năm 632, vì vậy, đỉnh điểm của sự ngu dốt và tham vọng ngông cuồng chính là đẩy an ninh quốc gia của Mỹ sa lầy vào những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tôn giáo đã kéo dài suốt 1.500 năm này.”
Nhà bình luận Thomas Friedman của tờ New York Times cũng từng khẳng định rằng “vấn đề chính tại Trung Đông là cuộc cạnh tranh trong thế kỷ thứ 7 về việc ai mới là người thừa kế xứng đáng của Nhà tiên tri Muhammad - là người Shi’ite hay người Sunni.”
[Khu vực Trung Đông sẽ phức tạp hơn với mâu thuẫn mới nảy sinh]
Những mâu thuẫn này có nguồn gốc lịch sử và tôn giáo không hẳn là cốt lõi những xung đột của họ. Tôn giáo chỉ là một phần nhỏ trong một bức tranh chính trị và địa chiến lược phức tạp và lớn hơn.
Máu chảy ở Syria hay Yemen sẽ chẳng thể ngừng nếu những người Sunni và Shi’ite bất ngờ thống nhất được với nhau về tranh cãi trên. Việc đánh giá các cuộc xung đột sắc tộc tại Trung Đông mà chỉ căn cứ vào những mâu thuẫn từ thế kỷ thứ 7 chắc chắn là một việc làm có phần ngây thơ và sai lệch.
Người ta cần một phân tích nghiêm túc để thay thế những bình luận hời hợt về cuộc xung đột có nguồn gốc từ xa xưa và chưa thấy hồi kết này.
Đó phải là cái nhìn về cuộc cạnh tranh giữa Sunni và Shi'ite đang diễn ra trong thế kỷ 21: một cuộc xung đột thời hiện đại ngày càng trầm trọng hơn bởi những thế lực chính trị, dân tộc chủ nghĩa và địa chiến lược thù địch.
Chiến tranh phe phái ngày nay ở Trung Đông bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc hiện đại chứ không phải do những tín ngưỡng Hồi giáo.
Các xung đột này trở thành cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Saudi Arabia, hai nhân tố dân tộc chủ nghĩa không ngừng mâu thuẫn về mặt chiến lược tại những khu vực bất ổn. Những gì đang xảy ra không phải là sự “tái xuất” của những hận thù cổ xưa mà là hệ quả của những mâu thuẫn mới.
Nhận thức được rằng những thế lực thù địch đang tìm cách công cụ hóa tôn giáo và giáo phái hóa xung đột chính trị là cách tốt nhất để người ta có thể tiếp cận vấn đề thay vì chỉ đơn giản là coi tôn giáo như nguyên nhân căn bản của những mâu thuẫn này.
Những người Sunni và Shi'ite đã nỗ lực để "cùng tồn tại" trong suốt lịch sử của mình khi chỉ có rất ít các giải pháp chính trị được tìm thấy để đảm bảo an ninh cho cả hai nhóm người này.
Nói cách khác, hai cộng đồng này không sinh ra để chiến đấu chống lại nhau. Xung đột không nằm trong bộ gene của họ và chiến tranh cũng không phải là định mệnh mà họ bị ràng buộc.
Điều tương tự cũng diễn ra đối với Iran và Saudi Arabia. Xung đột khu vực giữa Tehran và Riyadh không xuất hiện từ thời nguyên thủy và cũng không phải là "vô phương cứu chữa."
Vào cuối những năm 1970, Iran và Saudi Arabia từng là các đồng minh theo chế độ quân chủ cùng chống lại chủ nghĩa cộng hòa dân tộc ở Hy Lạp dưới thời Gamal Abdel Nasser.
Tóm lại, giữa người Sunni và Shi'ite không phải là một cuộc chiến tôn giáo. Thay vào đó, chủ nghĩa dân tộc của Iran và Arab mới là hai bên xung đột, nhất là tại Syria và Iraq, nơi chính quyền đã sụp đổ.
Giờ là thời điểm để phương Tây xóa bỏ nỗi ám ảnh về Hồi giáo và bắt đầu tập trung vào các yếu tố chính trị, thể chế và các yếu tố địa chiến lược đằng sau chủ nghĩa phe phái trong khu vực./.