Cách thức Mỹ đối phó với sự "trỗi dậy" ngày một lớn từ Trung Quốc

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikkei Haley nhận định diễn tiến quan trọng nhất trong hai thập kỷ trở lại đây chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới góc độ là một cường quốc kinh tế và quân sự lớn.
Cách thức Mỹ đối phó với sự "trỗi dậy" ngày một lớn từ Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên trang Foreign Affairs, Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikkei Haley nhận định diễn tiến quan trọng nhất trong hai thập kỷ trở lại đây chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới góc độ là một cường quốc kinh tế và quân sự lớn.

Khi Trung Quốc chuyển đổi, nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách tiên đoán rằng cải cách kinh tế cùng với hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đẩy Trung Quốc đi tới tự do hóa chính trị và trở thành “một cổ đông có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế.

Ý tưởng này - đôi khi được gọi là “học thuyết hội tụ” - dựa trên một giả định cho rằng một khi trở nên giàu có, Trung Quốc sẽ ngày một giống Mỹ.

Ý tưởng quả là dễ chịu, nhưng chỉ có điều không thành sự thực. Trung Quốc phát triển kinh tế mà không có tự do hóa.

Thay vào đó, chính quyền áp đặt hệ tư tưởng nặng nề hơn, đàn áp hơn, với nhiều tham vọng quân sự không chỉ dừng ở mức độ phòng thủ, phạm vi khu vực mà còn hướng ra toàn cầu với ý đồ đe nẹt.

Khi mà ranh giới phân chia công nghệ dân sự và quân sự dần được xóa nhòa trên khắp toàn cầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra chính sách chính thức yêu cầu các công ty Trung Quốc để quân đội được quyền sử dụng tất cả các công nghệ họ nắm giữ.

Đúng như học giả Aaron Friedberg thuộc Đại học Princeton đã viết, “thứ mà ông Tập Cận Bình và những đồng sự của ông toan tính không phải là bước chuyển từ nền cai trị độc quyền sang đích cuối cùng là tự do hóa, mà là sự tập trung quyền lực công nghệ và hiệu quả, gắn với nền độc tài độc đảng thường trực.”

Trên thực tế, Trung Quốc có vai trò to lớn đối với Mỹ, xuất phát từ các lý do cả tích cực lẫn tiêu cực. Các công ty Mỹ thường rất coi trọng thị trường quy mô cực lớn tại Trung Quốc, vốn được xem là đầu tàu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.

Nhưng Mỹ không được phép vì lợi ích lớn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà nhắm mắt làm ngơ trước các toan tính chính trị của Bắc Kinh.

Chính quyền Trung Quốc tự nhận là kẻ thù của nền dân chủ tự do phương Tây, đồng thời giương cao khẩu hiệu chủ nghĩa quốc gia cộng sản.

Người Mỹ có sự tiếc nuối sâu sắc về các lựa chọn mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ chú trọng vun đắp mối quan hệ hữu nghị.

Các Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Ronald Reagan đều nỗ lực tạo lập quan hệ hợp tác thông qua chuyển giao công nghệ cao để hỗ trợ hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế. Mỹ giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với các điều khoản thuận lợi.

Mỹ cũng tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp cận thị trường, dù Trung Quốc không đáp lại tương xứng. Không thể giải thích rằng chính sách thù địch ngày một gia tăng của Trung Quốc là phản ứng của Bắc Kinh trước sự thiếu thân thiện từ phía Mỹ.

Chính sách ngoại giao có nguyên tắc

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ là cường quốc lớn nhất thế giới dựa trên bất kể tiêu chí nào, từ sản lượng kinh tế, phát minh khoa học, sức mạnh quân sự hay ảnh hưởng văn hóa.

Khi Chiến tranh Lạnh bùng nổ và đặc biệt là sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991, Mỹ đạt đến mức độ tập trung quyền lực nhưng Mỹ không phải là đế chế. Mỹ là một nước dân chủ luôn tự hào tôn trọng quyền của các quốc gia và dân tộc khác.

Trong chính sách đối ngoại, Mỹ không phải lúc nào cũng tuân thủ các nguyên tắc, không phải lúc nào cũng đưa ra được những quyết định sáng suốt nhất.

Nhưng đồng thời, Mỹ cũng không làm những gì chỉ có lợi cho riêng Mỹ. Có một nguyên tắc định hướng chính sách đối ngoại, đó là các nước cần tôn trọng những gì thuộc về các quốc gia khác.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ cung cấp viện trợ để tái thiết nước Đức và Nhật Bản. Mới gần đây, khi lãnh đạo liên quân lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq, Mỹ đã chi nhiều tiền để giúp xây dựng lại Iraq.

Ở trong nước, người dân Mỹ sống dưới nền pháp quyền. Luật lệ của Mỹ không chỉ là công cụ phục vụ người nắm quyền, mà là để kiểm soát quyền lực. Sự thấu hiểu luật pháp định hình cách người Mỹ suy nghĩ và hành động, định ra cách thức can dự của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Mỹ tôn trọng các hợp đồng tư nhân và cũng kỳ vọng các nước khác sẽ làm như vậy. Mỹ tôn trọng quyền tài sản, trong đó có sở hữu trí tuệ.

Mỹ tin vào việc phát triển công nghệ thông qua sáng chế và sáng tạo, chứ không phải bằng cách đánh cắp ý tưởng của người khác rồi sao chép lại.

Mỹ đã giúp xây dựng và bảo vệ một hệ thống quốc tế hòa hợp với những nguyên tắc như vậy. Thông qua việc đóng góp duy trì hòa bình và ổn định thế giới, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên thế giới, tạo dựng các mạng lưới máy tính và truyền thông toàn cầu, Mỹ đã lãnh đạo kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng kỳ diệu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

[Giới chức Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đàm phán vào tháng Chín tới]

Nếu Mỹ không đảm nhận vai trò lãnh đạo này, cuộc sống của người dân Mỹ và không biết bao nhiêu nước sẽ tệ hại hơn nhiều.

Cuộc sống sẽ bị bó hẹp hơn, mất an toàn hơn. Những nền tự do sẽ đứng trước sức ép. Trung Quốc mong muốn thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ, tất nhiên là ở châu Á và ngày một rõ ràng hơn ở phần còn lại của thế giới.

Chỉ mới vài thập kỷ trước, Trung Quốc là nước nghèo, kém phát triển. Rồi đến cuối thập kỷ 1970, Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế. Bắc Kinh theo dõi thành công của các nền kinh tế thị trường và áp dụng bài học từ những nước này, với những kết quả gây sửng sốt.

Năm 1980, GDP của Trung Quốc đạt 200 tỷ USD. Nhưng đến năm 2018, con số này đã lên tới hơn 14.000 tỷ USD, tức gấp khoảng 70 lần.

Từ sự bùng nổ kinh ngạc này, các quốc gia đang phát triển bắt đầu xem Trung Quốc là hình mẫu. Những người ngưỡng mộ ca ngợi việc Trung Quốc kết hợp có lựa chọn thực tiễn tự do thị trường với định hướng trung ương hóa từ chính quyền mang tính quyết định và tầm nhìn xa.

Thông thường, những người này bỏ qua sự tích tụ chủ nghĩa chuyên chế. Đương nhiên, so với lãnh đạo các quốc gia dân chủ, các nhà độc tài có thể dễ dàng hơn trong hành động quyết đoán và định ra tầm nhìn xa.

Vậy nhưng ấn tượng không kém tăng trưởng chính là việc Trung Quốc giờ đây phải đối diện với nhiều khó khăn nghiêm trọng. Trung Quốc đã gây ra nhiều thảm họa môi trường, phân ly xã hội lớn mà cuối cùng sẽ kích thích nổi dậy chính trị.

Quá nhiều người đã di cư từ nông thôn sang các thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chính quyền không cho phép họ được tiếp cận nhà ở hay giáo dục.

Kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm lại. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng được công bố chính thức rơi xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm trở lại đây, trong khi tỷ lệ công bố thường được phóng đại so với tỷ lệ tăng trưởng thực.

Các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng người dân sẽ tước bỏ quyền lực khỏi tay họ, như cách mà người dân tự do đã làm trên khắp thế giới.

Một cách mà giới lãnh đạo Trung Quốc kiểm soát đe dọa đối với quyền lực lãnh đạo chính là kích thích các cuộc khủng hoảng ở bên ngoài và kêu gọi chủ nghĩa dân tộc nhân dân.

Hệ quả là một vòng luẩn quẩn đàn áp và tiềm ẩn bất ổn khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Một cách khác nữa để kiểm soát đe dọa, đó là việc lãnh đạo Trung Quốc tạo lập một nhà nước do thám tương tự như trong tiểu thuyết “1984” (Nineteen Eighty Four) của George Orwell: Ông Tập đã tập thâu tóm quyền lực ở mức chưa có tiền lệ, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ big-data (dữ liệu lớn) để giám sát ồ ạt người dân.

Cũng vì lý do này, chính quyền Tập Cận Bình đang tìm cách đứng đầu thế giới về mạng 5G và trí tuệ nhân tạo.

Điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc khát khao nhất là duy trì quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP).

Nhiều người Mỹ đã phải mất rất nhiều thời gian để hiểu được thực tế này, bởi đó không phải là cách mà họ nghĩ về nước Mỹ.

Tuyên ngôn độc lập của Mỹ viết mục đích cao nhất của chính quyền là bảo đảm quyền cá nhân được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Chính trị ở Mỹ phải phục vụ và phục tùng tự do, trong đó có tự do kinh tế. Tại Trung Quốc, mọi thứ đều ngược lại. Kinh tế phục vụ chính trị và mục tiêu chính trị là củng cố quyền lực của chính quyền ở trong nước và ngoài nước.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà chiến lược CCP đã thảo luận về giá trị các con đường khác nhau đưa đến vĩ đại quốc gia. Một số đề cao các chính sách giấu mình chờ thời khuyến khích tăng trưởng khu vực tư nhân và coi trọng hội nhập Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới.

Mục tiêu tối thượng của số này là tăng cường quyền lực của đảng và quân đội, nhưng theo cách thức không để sự trỗi dậy của Trung Quốc bị xem là mối đe dọa với phần còn lại của thế giới.

Những nhà chiến lược khác lại cổ súy cho lối tiếp cận hiếu thắng, chủ nghĩa dân tộc và quân phiệt.

Giới chức Trung Quốc nói rằng họ không hứng thú với chính trị của nước ngoài, nhưng thói quen của họ về hối lộ quan chức nước ngoài đã gây ra các vụ bê bối tham nhũng ở Australia, New Zealand, Malaysia, Sri Lanka, Angola và nhiều nước khác. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng để mở rộng các khoản cho vay và xây dựng hạ tầng trên thế giới, có thể tạo ra gánh nặng nợ nước ngoài cho các nước tiếp nhận, khiến số này không có khả năng chi trả.

Ngoài ra, Trung Quốc bẻ cong tự do học thuật tại các trường đại học ở Mỹ và nhiều nơi thông qua các Viện Khổng Tử được nhà nước tài trợ.

Chính những tổ chức này phát tán tuyên truyền và đôi khi hạn chế thảo luận những chủ đề dễ khiến Trung Quốc mất mặt như việc khuất phục Tây Tạng hay các trại cải tạo ở Tân Cương - nơi Bắc Kinh tuyên bố là “đào tạo lại” khoảng gần một triệu người Hồi giáo, được biết đến với tên gọi người Duy Ngô Nhĩ.

Chính quyền Trung Quốc cũng định hướng có hệ thống các công ty Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và các công ty nước ngoài - theo thông tin của Bộ Tư pháp Mỹ.

Không chỉ vậy, chính quyền còn yêu cầu các công ty tư nhân nội địa phải chia sẻ bất kể công nghệ quân sự nào họ có được thông qua sáng tạo, mua sáng chế hay ăn cắp.

Chính sách mới về kết hợp dân sự-quân sự mà ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2015 yêu cầu tất cả các công ty tư nhân hợp tác với quân đội.

Điều đó đồng nghĩa làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc không còn là công việc kinh doanh nữa. Những đối tác kinh doanh tại Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao đang thúc đẩy lợi ích quân sự của Bắc Kinh bất kể họ có hay không có ý làm vậy.

Một chiến lược mới cho cuộc đấu tranh mới

Kể từ khi nổi lên thành cường quốc lãnh đạo thế giới, chưa bao giờ Mỹ phải đối mặt với một nước thách thức quân sự tiềm tàng nhưng cũng là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đối đầu với Liên Xô với một nền kinh tế chỉ bằng một phần nhỏ của Trung Quốc hiện nay. Lịch sử không lặp lại, nhưng không có nghĩa là không đưa ra được bài học nào.

Trong chiến tranh Lạnh, chính quyền Mỹ đã tạo dựng các chính sách và chương trình mới để kiểm soát bước tiến công nghệ quân sự của Liên Xô và làm suy yếu kinh tế Soviet.

Nó bao gồm các chương trình kiểm soát xuất khẩu và xúc tiến thương mại phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia. Mỹ đã lập ra Cơ quan Thông tin (USIA) để chống lại tuyên truyền của Xô Viết và Sáng kiến phòng thủ Chiến lược nhằm trung hòa các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm xa của Liên Xô.

Mỹ cũng lập ra các chương trình khuyến khích đào tạo bậc cao ở những lĩnh vực liên quan, ví như ngôn ngữ và công nghệ vũ khí hạt nhân Nga.

Để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với lợi ích thiết yếu của Mỹ, rất cần cách suy nghĩ sáng tạo và dũng cảm, không được phép có bất kỳ ảo tưởng nào về toan tính của đối thủ.

Trước tiên, cần phải xem xét lại các quy định về thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao, không để Trung Quốc còn cơ hội khai thác sự mở cửa của Mỹ.

Nhìn chung, việc can thiệp của chính quyền vào chuyện kinh doanh tư nhân là không hợp lý, nhưng an ninh quốc gia phải được ưu tiên trước các chính sách thị trường tự do. 

Trong tác phẩm “Sự thịnh vượng của các quốc gia” (The Wealth of Nations), Adam Smith đã đề cập đến điểm này, khi ông cho rằng lợi ích của Anh quốc trong duy trì bá chủ hàng hải quan trọng hơn tự do thương mại ở trên biển. Ông viết, “phòng thủ là quan trọng hơn thịnh vượng.”

Với việc Trung Quốc theo đuổi chiếm giữ ưu thế quân sự trong tất cả các hoạt động thương mại tư nhân, Mỹ phải thay đổi các lăng kính dùng để kiểm soát quy định về thương mại, chuỗi cung ứng thế giới, đầu tư hướng nội, bảo vệ sở hữu trí tuệ và động lực cho các ngành công nghiệp quốc phòng then chốt.

Quy định cần thiết kiểu vậy sẽ đắt giá và khó khăn, nhưng đó là cái giá Mỹ phải trả để bảo vệ đất nước.

Ngay cả khi đã điều chỉnh chính sách kinh tế, Mỹ cũng cần phải tăng cường ngoại giao. Vài năm trở lại đây, tính chất cực đoan trong chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc ngày một lộ rõ.

Khi suy tính lại về chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với Trung Quốc, Mỹ cũng quan tâm đến việc khuyến khích đồng minh cân nhắc chiến lược an ninh quốc gia của chính họ.

Quốc hội Mỹ cần bảo đảm rằng quan chức Mỹ có đủ quyền hành và nguồn lực cần có để thúc đẩy sự hiểu biết về chiến lược của Trung Quốc và tập hợp các nỗ lực đa phương để cạnh tranh với Trung Quốc, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, bảo vệ trước các mối đe dọa quân sự và duy trì các nguyên tắc vốn là nền tảng thúc đẩy thịnh vượng hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Để xử lý "mối đe dọa" do Trung Quốc, cũng như Nga, Iran, Triều Tiên hay các mạng lưới khủng bố thánh chiến tạo ra, Mỹ phải tăng cường sức mạnh quân sự. Mỹ cần có năng lực hải quân lớn hơn, lực lượng không quân tầm xa mạnh hơn và công nghệ thông tin cải tiến hơn, tiềm lực mạng tốt hơn.

Mỹ cũng phải hiện đại hóa hạ tầng hạt nhân bị bỏ bẵng. Trung Quốc đang gây ra cho Mỹ thách thức về trí tuệ, công nghệ, chính trị, ngoại giao và quân sự.

Phản ứng đáp trả cần thiết cũng phải tương xứng về từng mặt này, đòi hỏi phải tập hợp hành động trong các lĩnh vực thiết yếu như tình báo, thực thi pháp luật, doanh nghiệp tư nhân và đào tạo bậc cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục