Cách thức để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu về công nghệ

Các chính sách của Trung Quốc, cùng với đội ngũ nhân tài về kỹ thuật và tinh thần kinh doanh, đã đem lại sự phát triển nhanh chóng của nước này trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G.
Ảnh minh họa. (Nguồn: xinhuanet.com)

Theo bài viết đăng trên The Straits Times, vào cuối tháng Mười vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nước này trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2035 bao gồm tăng cường khả năng tự lực về công nghệ và trở thành nước đứng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo đến năm đó.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu nhóm dự thảo các kế hoạch này, trong một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo đã kêu gọi Trung Quốc cần tiến nhanh hơn để trở thành nước “tự túc” về công nghệ.

Ông nhấn mạnh điều này và khả năng đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Rào cản từ môi trường bên ngoài

Sau nhiều thập kỷ làm “công xưởng” của thế giới giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại.

Nước này cần tăng cường chuỗi giá trị để tiếp tục phát triển và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Quả thực, trong hơn một thập kỷ qua, khi các nhà máy sản xuất các sản phẩm như đồ chơi, máy ảnh và máy tính cá nhân chuyển dịch cơ sở sang các nước có chi phí thấp hơn, Trung Quốc đã và đang đầu tư vào công nghệ.

Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong các lĩnh vực về công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot và viễn thông.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã bắt đầu tìm cách đẩy lùi những cái mà họ coi là hành vi sử dụng các biện pháp thiếu nghiêm túc của Trung Quốc, như chuyển giao công nghệ bắt buộc và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ để có được công nghệ từ phương Tây.

Mỹ cũng thận trọng với sự tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc bởi Washington coi cường quốc châu Á này là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.

Để đối phó, Mỹ đã bắt đầu tách rời về mặt công nghệ khỏi người khổng lồ châu Á này, trong khi các nước phương Tây khác đã trở nên thận trọng hơn trong giao thiệp với Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ tiên tiến.

Chẳng hạn, Mỹ đã tìm cách làm suy yếu vị trí hàng đầu của người khổng lồ về viễn thông của Trung Quốc Huawei trong công nghệ 5G bằng việc cấm bán chip cho công ty này, và cấm bán trang thiết bị để sản xuất các con chip đó cho nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là SMIC.

Những nỗ lực tách rời như vậy khiến cho công cuộc tìm kiếm khả năng tự cung tự cấp về công nghệ và sự vượt trội về đổi mới sáng tạo trở nên khó khăn hơn đối với Bắc Kinh.

Nhu cầu này bắt đầu vào giữa những năm 2000 khi Trung Quốc tìm cách tự cung tự cấp về công nghệ, coi đó là cách thức để tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của chính mình.

Sự khác biệt với lời kêu gọi hiện nay ở chỗ đây đồng thời là sự đối phó với môi trường bên ngoài đang thay đổi và thù địch hơn.

Như Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã phát biểu trong bài viết của mình: “Đối mặt với những mâu thuẫn và thách thức mới mà những thay đổi trong môi trường bên ngoài mang lại, chúng ta phải điều chỉnh con đường phát triển kinh tế” tiến tới sự phát triển độc lập, bền vững và kiên cường hơn.

Trung Quốc đang sẵn sàng đổ tiền vào công nghệ - chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) dự kiến tăng lên 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, từ mức 2,23% vào năm 2019 - và Trung Quốc không thiếu nhân tài trong 1,4 tỷ dân của mình.

Tuy nhiên, môi trường bên ngoài kém thân thiện hơn và các vấn đề nội bộ đặt ra những thách thức cho công cuộc tìm kiếm khả năng tự lực về công nghệ của Bắc Kinh.

Trò chơi đuổi bắt

Ngay khi Trung Quốc bắt đầu công cuộc công nghiệp hóa vào những năm 1960, các công ty nước ngoài trong các ngành như ôtô, điện tử và dược phẩm đã được yêu cầu phải thành lập các công ty liên doanh với công ty địa phương khi thiết lập hoạt động tại Trung Quốc, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, trong những năm 2000, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo bản địa, coi đó là cách thức để bắt kịp phương Tây về khoa học và công nghệ.

Như cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân hồi năm 1999 đã phát biểu: “Trong thế giới ngày nay, cốt lõi của sức mạnh cạnh tranh của từng quốc gia là đổi mới sáng tạo về trí tuệ, đổi mới sáng tạo về công nghệ và công nghiệp hóa công nghệ cao.”

Dưới thời người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, một chương trình đã được vạch ra vào năm 2006 để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo bản địa có tên gọi Kế hoạch trung và dài hạn quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ (2006-2020).

Kế hoạch thừa nhận rằng: “Bất chấp quy mô nền kinh tế của chúng ta, đất nước chúng ta không phải là một cường quốc kinh tế, chủ yếu vì sự yếu kém về năng lực đổi mới sáng tạo của chúng ta.”

Ngoài việc tăng chi tiêu cho khoa học và công nghệ, và đề ra các chính sách mới để khuyến khích R&D, Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra các quy định để bảo vệ các ngành công nghệ địa phương, động thái mà một số học giả coi là những dấu hiệu của “chủ nghĩa dân tộc công nghệ."

Tuy nhiên, để đối phó với môi trường công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, chiến lược theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa về công nghệ “đi một mình” này sau đó đã được thay thế bằng chiến lược tập trung vào việc theo đuổi các liên minh công nghệ và tham gia hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Chiến lược mới này sẽ kết hợp đổi mới sáng tạo bản địa và cộng tác với các công ty nước ngoài.

Năm 2015, Trung Quốc đã phát động kế hoạch 10 năm “Made in China 2025” nhằm nâng cấp cơ sở chế tạo sản xuất của nước này bằng việc phát triển nhanh chóng 10 ngành công nghiệp công nghệ cao.

Những ngành này bao gồm phương tiện chạy bằng năng lượng mới, công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ tiếp theo, robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.

Mục tiêu là giúp Trung Quốc chuyển đổi từ nền sản xuất trình độ thấp, giá trị thấp sang nền kinh tế công nghệ cao, năng suất cao và giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Trong số các biện pháp được thực hiện có trợ cấp trực tiếp cho các công ty Trung Quốc và đầu tư, mua lại các công ty công nghệ cao nước ngoài.

Các chính sách của Trung Quốc, cùng với đội ngũ nhân tài về kỹ thuật và tinh thần kinh doanh, đã đem lại sự phát triển nhanh chóng của nước này trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G.

Tiến sỹ Kai-fu Lee, nhà đầu tư mạo hiểm về công nghệ có trụ sở ở Bắc Kinh, đánh giá hiện có sự độc quyền rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo.

Ông đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn tổ chức truyền thông Project Syndicate hồi đầu năm rằng: “Trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, được thúc đẩy bởi một số lợi thế mang tính cơ cấu như các bộ dữ liệu khổng lồ, đội quân nhân tài kỹ thuật trẻ, doanh nhân năng nổ cùng với chính sách mạnh mẽ và thực dụng của chính phủ.”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác hồi năm ngoái với tờ The New Yorker, Tiến sỹ Lee cho rằng thế giới đã chuyển từ kỷ nguyên khám phá sang kỷ nguyên thực hiện. Vì vậy, mặc dù công nghệ có thể được phát minh ở Mỹ, nhưng việc thực hiện thành công sẽ phụ thuộc vào việc nước này có bao nhiêu doanh nhân và kỹ sư, và nó xử lý được bao nhiêu dữ liệu.

Biểu tượng TikTok bên ngoài văn phòng ở Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 21/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Project Syndicate, ông lưu ý rằng các công ty hàng đầu của Mỹ không thể sao chép được sự thành công vượt bậc của TikTok vì ứng dụng chia sẻ video này đã tận dụng được lợi thế tự nhiên của Trung Quốc trong việc truy cập vào lượng dữ liệu khổng lồ. Sau đó, nó tạo ra trải nghiệm tương tự cho các đối tượng khác nhau ở các quốc gia khác nhau, trong đó có Mỹ.

Thành công của TikTok là nhờ vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách xuất sắc, không qua bất kỳ bước đột phá nào về công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Và điều đó nằm ở chỗ Trung Quốc đã rất thành thạo trong việc ứng dụng các công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ cực kỳ thành công, nhưng lại không phát minh ra công nghệ mới - một thiếu sót mà họ đang muốn khắc phục.

Tăng tốc khả năng tự lực

Trong công bố các kế hoạch cho việc phát triển khả năng tự lực về công nghệ của mình, Bắc Kinh đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục sự cộng tác quốc tế bởi Trung Quốc hiểu rằng họ cần tiếp tục học hỏi từ các đối tác nước ngoài tiên tiến.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước ngày càng trở nên thận trọng, vấn đề là liệu nó có thể tiếp tục chiến lược hợp tác này với các đối tác nghiên cứu nước ngoài hay không.

Ngoài sự cộng tác với nước ngoài, Trung Quốc cũng hiểu rõ sự cần thiết phải đào tạo nhiều hơn lực lượng nhân tài về khoa học và công nghệ của chính mình để tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của đất nước.

Tháng 1/2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phát động sáng kiến có tên gọi Kế hoạch nền tảng vững mạnh để các trường đại học của Trung Quốc tuyển nhiều sinh viên hơn trong các môn học như toán, vật lý, hóa học và sinh học. Các sinh viên tốt nghiệp được cho là sẽ đóng góp vào các lĩnh vực như chip công nghệ cao, vật liệu mới và sản xuất tiên tiến.

Mặc dù nhiều chính sách hơn nhằm thúc đẩy hơn nữa R&D dự kiến sẽ được công bố, nhưng Chính phủ Trung Quốc cũng cần phải giải quyết một số vấn đề hiện nay của mình.

Trung Quốc hiện có các kế hoạch như Chương trình Nghìn nhân tài để khuyến khích các nhà khoa học, các học giả và doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc đang sinh sống ở nước ngoài trở về nước.

Trung Quốc cũng đang tuyển dụng các nhà nghiên cứu nước ngoài làm việc trong các phòng thí nghiệm R&D của nước này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu về môi trường nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học của Trung Quốc được công bố năm 2018 đã chỉ ra một số thách thức đối với nỗ lực trở thành nước đổi mới sáng tạo toàn cầu của Bắc Kinh.

Một trong những thách thức được xác định là môi trường không thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo hay nghiên cứu nguyên bản vì số lượng nghiên cứu được chú trọng hơn là chất lượng nghiên cứu, ví dụ như số lượng các bài nghiên cứu được xuất bản.

Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng gian lận trong học tập là vấn đề lặp đi lặp lại. Điều này một phần là do áp lực buộc phải có kết quả, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc cho là quan trọng.

Quả thực, một vấn đề nữa được nêu bật trong nghiên cứu này là sự can thiệp quá mức của chính phủ trong việc chỉ đạo nghiên cứu khoa học, dẫn đến một cơ chế cứng nhắc thiếu tự do học thuật.

Tình hình cũng tương tự đối với lĩnh vực tư nhân, nơi mà môi trường tương đối cởi mở từ những năm 1990 đến đầu những năm 2010 đã tạo ra những công ty như Alibaba và Tencent cũng đang bị kiềm chế khi sự kiểm soát của chính phủ đối với các công ty tư nhân tăng lên.

Một vấn đề khác đặt ra đối với đổi mới sáng tạo công nghiệp là liệu trong bối cảnh hiện tại Chính phủ Trung Quốc có sẽ tiếp tục cho phép các ngành công nghiệp sáng tạo và đổi mới bằng cách ít can thiệp trực tiếp mà chỉ thắt chặt các quy định khi mọi việc đe dọa vượt ra khỏi tầm kiểm soát, như họ đã làm trước đây.

Vào tháng trước, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán của Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group gặp trục trặc và những quy định mới đã được công bố sẽ kiềm chế ngành công nghiệp công nghệ tài chính.

Trước đó, nhà đồng sáng lập của Ant Group Jack Ma đã công khai chỉ trích các cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc. Ông cho rằng việc họ chú trọng vào ngăn chặn rủi ro tài chính hệ thống đã kìm hãm sự đổi mới.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “phát triển tinh thần khoa học, khuyến khích sự khám phá táo bạo và nghi ngờ hợp lý, tăng cường nghiên cứu cơ bản và tập trung vào đổi mới ban đầu.”

Đó sẽ là một hành động cân bằng khó khăn - khẳng định quyền kiểm soát đối với học thuật và ngành công nghiệp, song vẫn để đủ không gian cho đổi mới diễn ra.

Thành công trong việc duy trì được sự cân bằng này, cũng như duy trì được sự cộng tác với các đối tác nước ngoài, sẽ là yếu tố then chốt để Trung Quốc hiện thực hóa những mục tiêu đầy tham vọng của mình là tự lực về công nghệ và dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục