Cách nào chuyển đổi sớm xe chạy xăng dầu sang năng lượng xanh?

Giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam nên việc chuyển đổi xe chạy năng lượng xanh là cần thiết và cấp bách.
Tuyến xe buýt điện E09 có lộ trình Khu đô thị Smart City-đường Thanh Niên-Công viên nước Hồ Tây được Vinbus đưa vào khai thác, vận hành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tuyến xe buýt điện E09 có lộ trình Khu đô thị Smart City-đường Thanh Niên-Công viên nước Hồ Tây được Vinbus đưa vào khai thác, vận hành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội sản xuất ôtô đều nhận định chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ người dân.

Xây dựng lộ trình chuyển đổi chi tiết

Tại hội thảo "Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” vào ngày 20/10, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cac-bon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải.

Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh gồm giai đoạn 2022-2030 và giai đoạn 2030-2050.

Cụ thể, giai đoạn 2022-2030 sẽ phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; trong đó từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

“Với mục tiêu hệ thống giao thông vận tải xanh, phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Lộ trình này là nhiệm vụ và cơ hội của ngành giao thông nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững; bắt kịp xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới,” bà Hiền nhấn mạnh.

[Hà Nội lên lộ trình chuyển đổi sang xe buýt chạy năng lượng xanh]

Đánh giá việc thực hiện chuyển đổi xe điện tại Việt Nam, bà Hiền cho hay về công nghệ đã sẵn sàng; các cơ chế, chính sách cũng được các bộ, ngành và đơn vị liên quan phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cũng như người dân chuyển đổi sang xe điện; phát triển hạ tầng cho phương tiện sử dụng điện khu vực đô thị.

Nhìn nhận việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe điện tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết và cấp bách, ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã đề cập đến việc nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông và nghiên cứu thí điểm xây dựng hệ thống trạm sạc cho các phương tiện giao thông sử dụng điện.

Về chiến lược lâu dài, theo ông An, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực phát triển giao thông điện. Thành phố cũng hỗ trợ khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng lộ trình chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện; thực hiện các giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân.

Nhiều hỗ trợ về thuế, phí để chuyển đổi

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.

Theo ông Đào Công Quyết, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), từ năm 2015 đến nay, doanh số bán của toàn thị trường từng năm tăng dần. Theo thống kê tám tháng của năm nay, thị trường cả nước đã bán ra hơn 236.000 xe.

Về các yếu tố tác động tới sự chuyển đổi sang xe điện hóa tại Việt Nam, ông Quyết đề cập đến 3 yếu tố gồm phát thải CO2 và cơ cấu năng lượng; cơ sở hạ tầng (trạm sạc); ngành công nghiệp (chi phí sản xuất-giá xe).

“Để phổ cập xe điện hóa đến khách hàng, giá xe cũng là 1 yếu tố quan trọng. Ở thời điểm năm 2020, chi phí trực tiếp sản xuất ra xe thuần điện cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ được thu hẹp lại còn khoảng 9%. Do đó, ưu đãi của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng tác động tới sự chuyển đổi xe điện hóa,” đại diện VAMA chia sẻ.

[Từ cam kết tại COP26: Việt Nam sẵn sàng cho một cuộc ‘đổi mới xanh’]

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhâp khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thừa nhận hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ôtô.

Cách nào chuyển đổi sớm xe chạy xăng dầu sang năng lượng xanh? ảnh 1Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất ôtô VinFast. (Ảnh: TTXVN)

Đối với xe điện, bà Ngọc khẳng định, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều các văn bản ưu đãi về thuế, phí nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Liên quan đến vấn đề trạm sạc, theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Cục đường bộ Việt Nam), đối với quốc lộ, xe điện có thể dễ dàng tiếp cận các trạm sạc 2 bên đường còn trên đường cao tốc thì không dễ, chỉ có thể tiếp cận ở hai trạm dừng nghỉ. Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại hội thảo, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng trao đổi đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các loại phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện tại Việt Nam như quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc để đảm bảo an toàn; chuẩn bị về nhân lực và công nghệ đáp ứng được việc chuyển đổi phương tiện dùng điện…/.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022, cả nước đã có gần 3.000 ôtô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ôtô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu môtô-xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục