Cách mạng số ngành du lịch: Vai trò của doanh nghiệp tiên phong

Khác với kinh doanh du lịch truyền thống, hoạt động kinh doanh du lịch hiện đại tập trung nhiều hơn vào khách hàng nhờ số hóa dữ liệu thông qua đa dạng ứng dụng công nghê số.
Cách mạng số ngành du lịch: Vai trò của doanh nghiệp tiên phong ảnh 1Ban tổ chức tặng hoa, quà chúc mừng những vị khách đến Đà Nẵng xông đất ngày đầu xuân mới Nhâm Dần 2022. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chuyển đổi số có thành công hay không, phần lớn phụ thuộc vào doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành - nơi trực tiếp diễn ra quá trình chuyển đổi số.

Trên thực tế, nỗ lực chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp đều thất bại trong việc đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu. Điều này làm cho không ít doanh nghiệp du lịch quan ngại, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà 97% doanh nghiệp du lịch Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung không nhiều tín hiệu tích cực về chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn nổi lên một vài điểm sáng với những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, tạo niềm tin và giúp không ít doanh nghiệp khác tham gia tích cực hơn.

Bước tiến số hóa dữ liệu

Theo khảo sát trong ngành du lịch, toàn bộ mọi hoạt động của ngành đều tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm cho du khách, nên chuyển đổi số có thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh du lịch truyền thống sang mô hình kinh doanh du lịch hiện đại tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số (Digital value chain) dựa trên dữ liệu đã được số hóa.

Khác với mô hình kinh doanh du lịch truyền thống, hoạt động kinh doanh du lịch hiện đại dành sự tập trung nhiều hơn vào khách hàng nhờ số hóa dữ liệu thông qua đa dạng ứng dụng công nghệ số. Trong đó, số hóa dữ liệu được chia thành 3 khâu, gồm: thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm; số hóa các dữ liệu, sử dụng công nghệ số để phân tích, giúp hiểu biết sâu sắc về khách hàng và hoạt động kinh doanh; chuyển đổi thông tin có được thành hành động cụ thể.

[Cách mạng số ngành du lịch: Những bài toán khó của chuyển đổi số]

Giáo sư Đoàn Thị Hồng Vân, khoa Kinh doanh quốc tế-Marketing, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng và đặc biệt là đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã trở thành xu thế lan tỏa khắp ngành du lịch toàn cầu.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong du lịch Việt Nam cũng được nhen nhóm từ những năm đầu thế kỷ XXI, khi đó Tổng cục Du lịch đã hợp tác cùng Vntrip.vn-hệ thống website và ứng dụng đặt phòng khách sạn lớn nhất Việt Nam phát triển "Ứng dụng công nghệ ảnh 360 độ" trong ngành du lịch. Đây là dự án số hóa dữ liệu du lịch bằng hình ảnh thông qua xây dựng một cổng thông tin trực tuyến chính thống quảng bá, truyền thông và xúc tiến du lịch Việt Nam trên thị trường.

Dự án này còn tích hợp phong phú dịch vụ thông minh trên nhiều thiết bị khác nhau như màn hình cảm ứng, điện thoại, máy tính, máy tính bảng... để tạo điều kiện cho mọi du khách có thể tiếp cận và sử dụng cho hành trình du lịch. Mới đây, xác định rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và xem là yếu tố cơ bản thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trở lại trong giai đoạn sắp tới, ngành du lịch Việt Nam đã ra mắt "Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn."

Đây là ứng dụng du lịch trực tuyến kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế được tích hợp chỉ bằng một chiếc thẻ. Ứng dụng này, hướng đến đối tượng hơn 43 triệu người dùng điện thoại di động thông minh, với hỗ trợ thiết thực trong việc tìm điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai của ngành du lịch Việt Nam.

Từ thực trạng chuyển đổi số của du lịch Việt Nam cho thấy muốn chuyển đổi số thành công thì cần có định hướng chiến lược chuyển đổi số nhất quán cho toàn ngành. Đồng thời, ngành du lịch cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tự tin tham gia chuyển đổi số. Chuyển đổi số chỉ thành công khi có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ; trong đó doanh nghiệp lớn làm trụ cột, hướng dẫn, lan tỏa chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, những liên kết này không tự nhiên có mà được tạo lập dưới hình thức chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch tốt, đủ sức hấp dẫn thu hút được du khách trong và ngoài nước, mang lại lợi nhuận cho các bên tham gia và có khả năng tồn tại, phát triển bền vững.

Theo ông Đặng Ngọc Tài, Giám đốc ViVu Travel, trong nền kinh tế thị trường, muốn bán được hàng thì trước hết cần có sản phẩm tốt, nên doanh nghiệp du lịch muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải là doanh nghiệp tốt và có sản phẩm du lịch tốt.

Chuyển đổi số và kích cầu du lịch là việc làm tiên quyết trong kinh doanh du lịch hiện nay, bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp thường xuyên tung ra đa dạng chương trình khuyến mãi, thu hút khách hàng và đẩy mạnh doanh thu. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, ngành du lịch Việt Nam càng phải đẩy mạnh đa dạng hoạt động kích cầu để đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo.

Ứng dụng công nghệ số

Liên quan đến vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc điều hành Travelogy Việt Nam cũng chia sẻ, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số từ đầu năm 2020, sau hai tuần bùng phát đại dịch COVID-19 đòi hỏi giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, kết nối với khách hàng qua Internet... Đặc biệt, do trước đó đã nghiên cứu về chuyển đổi số và lên kế hoạch rõ ràng, nên Travelogy không gặp quá nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số.

Cách mạng số ngành du lịch: Vai trò của doanh nghiệp tiên phong ảnh 2Tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, giữ môi trường xanh, vùng xanh để thu hút du khách. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Thông qua chuyển đổi số, Travelogy đã tiếp cận được số lượng khách hàng nhiều hơn, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Trong thời gian qua, Travelogy cũng phát triển phần mềm TravelMaster và đã đưa vào phân hệ Sale đầy đủ những trường thông tin cần thiết về khách hàng để việc nhập liệu không bị thiếu thông tin hay nhầm lẫn. Qua đó, quy trình chi tiết hóa thông tin về dịch vụ, giúp thao tác chiết tính tour trở nên đơn giản hơn và khách hàng cũng nắm rõ được chi phí của từng yếu tố nhỏ nhất cấu thành nên một tour sản phẩm.

Khi khách hàng có yêu cầu đặt tour, bộ phận Sale chỉ cần dựa vào những dữ liệu đã được đưa vào hệ thống để tạo nên một tour hoàn chỉnh với đầy đủ dịch vụ và bảng giá chi tiết gửi tới khách hàng. Trong trường hợp khách hàng muốn thay đổi một dịch vụ bất kỳ, Travelogy cũng hoàn toàn dễ dàng tạo mới một tour đúng theo yêu cầu của khách hàng. Với sự sắp xếp có hệ thống của phân hệ Sale đã giúp Travelogy tương tác với khách hàng hiệu quả hơn, có thể tồn tại và phát triển, khi đại dịch COVID-19 quật ngã 95% doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế.

Tương tự, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holding cho hay trong bối cảnh du lịch và hàng không quốc tế gần như tê liệt vì đại dịch, chuyển đổi số đối với ngành du lịch Việt Nam là rất quan trọng. HG Holding chuyển đổi số từ cách đây 5 năm và vào thời điểm đó ở Việt Nam có rất ít doanh nghiệp dám triển khai hoạt động này. Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp, HG Holding tiếp tục tập trung cao vào công nghệ để theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số. Ngoài ra, HG Holding cũng đã xây dựng được một nền tảng của người Việt đặt trên trang amazon.

Theo kinh nghiệm cho thấy có bốn điểm quan trọng trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số, là phải xây dựng được sản phẩm nền tảng; cộng đồng có hệ sinh thái mạng; sự bảo hộ về chính sách từ phía cơ quan chức năng; chiến dịch truyền thông tốt để tất cả người Việt đều ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, khi lựa chọn sản phẩm, loại hình du lịch để xây dựng chuỗi cung ứng thì mỗi chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch được chọn phải là một liên kết để thực hiện chuyển đổi số mới làm cho sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường.

Sản phẩm du lịch được chọn để xây dựng liên kết phải đảm bảo an toàn cho những người tham dự (du khách và thành viên doanh nghiệp) trong điều kiện sống chung với đại dịch COVID-19 nên chủ động chọn loại hình sản phẩm du lịch có thể hoạt động an toàn ngay khi dịch bệnh. Đồng thời, sản phẩm du lịch được chọn để xây dựng chuỗi liên kết phải có tính bền vững sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, khi đã lưu trữ được một tập khách hàng đủ lớn, doanh nghiệp du lịch có thể đưa ra những phân tích, đánh giá về thói quen, nhu cầu của họ trong lựa chọn sản phẩm/loại hình du lịch. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ hình thành lên danh sách khách hàng tiềm năng, danh sách khách hàng thân thiết... phù hợp với sản phẩm/loại hình du lịch để có những chiến lược chăm sóc khách hàng phù hợp, tạo ra kết quả kinh doanh cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục