Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Lào đã phỏng vấn bà Sounthone Sayachak, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Lào…
Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
- Thưa bà, bà đánh giá thế nào về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Lào?
Bà Sounthone Sayachak: Kể từ khi bị thực dân Pháp xâm lược từ cuối thế kỷ 19, nhân dân 3 nước Đông Dương nói chung và nhân dân Lào nói riêng đã có nhiều nỗ lực đứng lên đánh đuổi ngoại xâm, tuy nhiên, do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và thiếu lực lượng cần thiết nên các phong trào này đã lần lượt thất bại.
Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập vào ngày 3/2/1930, cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia đã có bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng, cùng nhau giành những thắng lợi vẻ vang, tiến tới giành độc lập tại Việt Nam vào ngày 2/9/1945 và tại Lào vào ngày 12/10/1945.
Tuy nhiên, nhân dân Lào và Việt Nam chưa kịp hưởng hòa bình, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Đông Dương lần hai. Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Dưới sự lãnh đạo kiên cường, sáng suốt của Đảng Công sản Đông Dương, với quyết tâm thà hy sinh tất cả vì độc lập tự do cho nhân dân, Liên minh chiến đấu Việt-Lào đã ra đời và trong 9 năm kháng chiến ác liệt, đã cùng nhau đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là chiến thắng lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu vào đầu tháng 5 năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva, công nhận nền độc lập của 3 nước Đông Dương.
Sau thực dân Pháp, đế quốc Mỹ lại “nhảy vào” Đông Dương, cuộc kháng chiến lâu dài, đầy hy sinh của quân dân ba nước càng thêm ác liệt, nhưng nhân dân Lào, Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau tiếp tục chiến đấu kiên cường, tiến tới thắng lợi vẻ vang vào năm 1975, kết thúc một trong những cuộc chiến ác liệt và gian khổ nhất trong lịch sử của nhân loại.
[Hình ảnh "vị cha già dân tộc" trong lòng kiều bào tại Lào]
Đánh giá về hai cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do nói trên, Đảng, Quân đội và nhân dân Lào nhận thức sâu sắc rằng những thắng lợi của cách mạng Lào không thể tách rời cách mạng Việt Nam; không thể thiếu sự giúp đỡ vô giá, kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của quân và dân Việt Nam.
Trong phát biểu tổng kết và rút kinh nghiệm đấu tranh tại Lào vào ngày 21/9/1965, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhấn mạnh về “Mấy nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Lào gồm có sự đúng đắn về đường lối và sự kiên cường của nhân dân Lào, ngoài ra còn nguyên nhân hết sức quan trọng khác đó là cách mạng Lào có quan hệ mật thiết với cách mạng Việt Nam…”
Có thể nói cách mạng Lào thành công, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập, được rèn luyện và vững mạnh, nhân dân Lào được giải phóng hoàn toàn và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như hôm nay là nhờ sự lãnh đạo, dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã từng nói cách mạng Lào thành công, cách mạng Việt Nam mới vững chắc, lời dạy của Bác: “Giúp bạn là tự giúp mình” là chân lý không thể phủ nhận được.
- Với tư cách là Trưởng ban Đối ngoại Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, bà đánh giá thế nào về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh?
Bà Sounthone Sayachak: Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Đông Dương. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, Đông Dương và phong trào cộng sản quốc tế trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sỹ cộng sản quốc tế lỗi lạc. Người không chỉ đấu tranh vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mà còn để lại cho thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về sức mạnh của nhân dân; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, an ninh toàn dân; về phát triển kinh tế và văn hóa; về đạo đức cách mạng; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; về cán bộ đảng viên...
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gồm có trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…
Phong cách Hồ Chí Minh gồm có phong cách làm việc có khoa học, có kế hoạch, đổi mới, sáng tạo; phong cách lãnh đạo là tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, luôn nêu gương; phong cách diễn đạt giản dị, cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, trong sáng, linh hoạt; phong cách ứng xử khiêm tốn, chân tình, chủ động, vui vẻ... và phong cách sinh hoạt là sống cần, kiệm, liêm, chính.
Tuy Bác đã đi xa, nhưng những tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, tiến tới mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
- Theo bà, chúng ta cần làm gì để có thể giáo dục thế hệ trẻ hai nước hôm nay hiểu rõ giá trị của mối quan hệ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đã dày công vun đắp, để họ tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ này?
Bà Sounthone Sayachak: Việc giáo dục thế hệ trẻ hai nước hiểu rõ về giá trị của mối quan hệ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đã gây dựng và dày công vun đắp, để họ tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ đó là công việc rất quan trọng, là trách nhiệm của mỗi chúng ta, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến đổi nhanh chóng, hết sức phức tạp và các lực lượng thù địch đang tìm cách phá vỡ mối quan hệ đặc biệt này.
Đảng, chính phủ hai nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược trong việc không ngừng củng cố, phát triển và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, để mối quan hệ này mãi mãi trường tồn.
Hiện hai nước đang có chủ trương tuyên truyền rộng rãi về quan hệ có một không hai trên thế giới này thông qua việc đưa nội dung của bộ lịch sử quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam vào trong giáo trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của hai nước; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt là hai Hội hữu nghị và Đoàn thanh niên hai nước đã và đang có chương trình “Theo dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong’’ được tổ chức tại hai nước trong những năm gần đây.
Tôi tin chắc chắn rằng bằng những công việc cụ thể, các thế hệ trẻ Lào-Việt sẽ cùng nắm chặt tay nhau làm tròn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và tiếp tục phát huy mối quan hệ mà các thế hệ cha ông hai nước đã không tiếc xương máu xây dựng nên và để nhân dân Việt Nam-Lào có được nền độc lập, tự do, hòa bình, sự bình yên như hôm nay.
- Trân trọng cảm ơn bà./.