Chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) vừa được tổ chức tại Hà Nội được đánh giá là sẽ mở ra những tiềm năng to lớn trong hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội này, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, cho biết cách mạng công nghiệp 4.0 cần hành động hơn là các tuyên bố khẩu hiệu và cũng phải bắt đầu bằng tư duy, thể chế, hạ tầng và các kế hoạch hành động cụ thể.
Vẫn chưa sẵn sàng
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 với lý do là bởi các chỉ số liên quan đến đổi mới và sáng tạo ở Việt Nam còn ở mức thấp.
Theo báo cáo được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây nhất, Việt Nam thuộc vào nhóm các quốc gia "trứng nước" về công nghệ và đổi mới. Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 70 về nguồn nhân lực; trong đó, các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp hạng 81 và 75. Chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo xếp hạng 90; trong đó, đứng thứ 92 về nền tảng công nghệ và thứ 77 về năng lực sáng tạo.
Trong số những nước ở khu vực Đông Nam Á được báo cáo của WEF đánh giá, Việt Nam đứng sau Singapore và Malaysia (hai nước thuộc nhóm 25 nước "dẫn đầu"), Thái Lan và Philippines (hai nước thuộc nhóm 10 nước "có kế thừa"). Việt Nam cũng đứng sau Indonesia và chỉ trên Campuchia, là hai nước cùng nhóm 58 nước với Việt Nam. Đông Nam Á không có nước nào thuộc nhóm bảy nước "tiềm năng cao."
[Công nghiệp 4.0: Làm sao tới đích khi nhiều doanh nghiệp chỉ 2.0?]
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, chỉ số đánh giá sự nghiêm ngặt của các quy định pháp luật liên quan tới kinh tế số của Việt Nam được xếp ở mức 0,45 điểm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của các nước được WEF đánh giá, tương đương với vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng của WEF.
"Điều này cho thấy chính sách pháp luật của chúng ta đang có nhiều quy định bất cập, gây trở ngại cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ liên quan tới công nghệ," ông Cung nhận định.
Tuy nhiên, đánh giá tiềm năng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 ở khu vực ASEAN và Việt Nam, ông Đặng Quang Vinh, Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đề cập đến một ngành mà là một loạt các công nghệ nảy sinh và được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực như chế tạo, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp...
Nghiên cứu của Google và Temasak về kinh tế số cho thấy đến năm 2025, ngành thương mại điện tử, đặt phòng Internet, du lịch Internet, nội dung số (quảng cáo, trò chơi, phần mềm trên các chợ ứng dụng...) có thể đem lại cho các nền kinh tế ASEAN khoảng 200 tỷ USD. Đây là kết quả khả quan cho thấy, tác động tích cực về mặt kinh tế dù chỉ là một số ngành.
Đối với Việt Nam, theo tính toán ban đầu, đến năm 2030, nền kinh tế của chúng ta sẽ có thêm khoảng 20-30 tỷ USD so với việc không ứng dụng công nghệ, chiếm khoảng 6-7% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP cũng được góp thêm 1-1,5% từ việc ứng dụng này.
Điều này cho thấy ở quy mô thế giới, khu vực hay Việt Nam, ứng dụng công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết bài toán về năng suất, cơ cấu kinh tế, để hướng tới nâng cao thu nhập và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong cuộc chơi toàn cầu. Do đó, nếu nước nào ứng dụng nhanh, tạo ra công nghệ mới, đi đầu thế giới thì sẽ thu được lợi ích rất lớn.
Việt Nam cũng đang trong chiến lược về xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0 để tập trung nguồn lực tạo điều kiện cho những công nghệ mới được phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước ASEAN, Việt Nam đang đi sau Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia về mặt văn bản. Song, đây không phải vấn đề lớn vì họ mới có chính sách từ cuối năm ngoái và đầu năm nay. Điều quan trọng hơn là nội dung và tổ chức thực hiện những chính sách này. Mà theo truyền thống, khâu thực hiện lại thường không được như kỳ vọng.
Nắm bắt cơ hội
Để nhanh chóng nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng "cùng tư duy, cùng suy nghĩ, thúc đẩy cho quá trình cải cách nhất là khi trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ."
Chia sẻ dưới góc độ nhìn nhận của doanh nghiệp, ông Đặng Quang Vinh cho biết doanh nghiệp không phụ thuộc vào chính sách mà họ kinh doanh theo điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tế. Nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhiều vì họ cũng đang đối mặt với những khó khăn của mô hình kinh doanh hiện tại. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam cũng chưa đòi hỏi đến mức phải ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 ngay lập tức. Nông dân, doanh nghiệp vẫn đang tạo ra tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cách mạng công nghiệp 4.0 không tạo ra điều gì ở Việt Nam.
Theo ông Vinh, Chính phủ vẫn cần có hành động để doanh nghiệp nhận thức được lợi ích và có điều kiện để ứng dụng công nghệ. Hiện mới chỉ có một số ít doanh nghiệp có quy mô lớn và trung bình đã đầu tư vào công nghệ 4.0 như: Trường Hải làm nhà xưởng lắp ráp ôtô Mazda dùng công nghiệp 4.0, robot có kết nối Internet và tối ưu hóa tự động; sắp tới Vingroup làm nhà máy ôtô VinFast và nhiều doanh nghiệp chế tạo khác cũng lắp ráp robot ứng dụng hệ thống quản lý sản xuất tự động...
Ngoài ra, các doanh nghiệp startup công nghệ cũng đang tích cực nghiên cứu và sản xuất ra công nghệ 4.0 như phần mềm nền tảng gọi xe, ứng dụng chuỗi khối blockchain vào quản lý thực phẩm, ứng dụng thanh toán điện tử như Momo, Zalopay... hay đi vào công nghệ trí tuệ nhân tạo như Zalo. Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam không phải chỉ là chuẩn bị nữa mà họ đã đầu tư. Nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhận thức của chủ doanh nghiệp và vai trò dẫn dắt, định hướng của Nhà nước.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có sự khác biệt vô cùng lớn. Đó là tốc độ phát triển của cuộc cách mạng lần này diễn ra ở cấp số nhân; phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu tác động tới hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia và mức độ tác động vừa sâu, vừa rộng dẫn tới sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị doanh nghiệp.
Việc ứng dụng các công nghệ mới mang tính đột phá, biểu hiện rõ nét trong ngành dịch vụ tài chính là làn sóng Fintech, kỳ vọng cao và hành vi thay đổi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, khuynh hướng quản lý thân thiện với đổi mới, sáng tạo và hướng nhiều hơn tới bảo vệ người tiêu dùng là những xu hướng chủ đạo làm thay đổi diện mạo ngành dịch vụ tài chính thế giới; trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn đầy hứa hẹn, ông Dũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền tài chính-ngân hàng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đó là khoảng trống chính sách đòi hỏi phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát dòng tiền gặp khó khăn trong bối cảnh tiền điện tử ngày càng được sử dụng và chấp nhận rộng rãi.
“Ngân hàng đứng trước nguy cơ tụt hậu công nghệ nếu không chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận những thành tựu công nghệ mới, phù hợp với xu thế chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” ông Dũng nhấn mạnh.
Còn cụ thể theo người đứng đầu CIEM cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 cần suy nghĩ hành động hơn là các tuyên bố khẩu hiệu và cũng phải bắt đầu bằng tư duy, thể chế, hạ tầng và các kế hoạch hành động cụ thể.
Ông Đặng Quang Vinh chia sẻ mong muốn của Chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0 mà CIEM đang xây dựng. Đó là, hỗ trợ các doanh nghiệp đã tạo ra công nghệ sẽ có thể tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đem ra để đấu với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới, trở thành thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới, hệ thống sản xuất mới của thế giới.
“Khi có chỗ đứng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội hút vốn đầu tư vì hiện nay nguồn vốn FDI trực tiếp và gián tiếp trên thế giới rất nhiều,” ông Vinh nhấn mạnh./.