Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam

Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải có sự chuyển đổi khi các ưu thế về thị trường theo góc độ địa lý sẽ bị các công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 xóa mờ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam ảnh 1Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc nhưng cũng là thách thức đối với sự chuyển đổi của nền kinh tế, Chính phủ và doanh nghiệp.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương liên quan đến cuộc cách mạng này.

- Thưa Thứ trưởng, các quốc gia trên thế giới đang ứng xử như thế nào với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hội tụ của các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực số hóa, vật lý và sinh học tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông minh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất và kinh doanh, có tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.

Các quốc gia trên thế giới, tùy theo trình độ phát triển, thực tiễn đất nước, đều đã có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp này. Một số chiến lược của các quốc gia trên thế giới như “Industrie 4.0” của Đức, “Manufacturing Innovation Strategy 3.0” của Hàn Quốc, “Society 5.0” của Nhật Bản…

Có thể nói, các quốc gia phát triển và nhiều quốc gia đang phát triển đều có những chương trình, kế hoạch ứng xử với công nghiệp 4.0, với mục đích vươn lên hoặc giữ vững vị thế dẫn dắt của mình.

Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam ảnh 2Gia công thùng xe tải tại Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất ôtô chuyên dụng Trường Hải. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

[Cách mạng 4.0: Cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc]

Cách tiếp cận của các quốc gia đều tập trung vào xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy số hóa, ứng dụng các công nghệ số hóa trong công nghiệp, dịch vụ như nâng cấp hạ tầng truyền thông băng thông rộng, các chương trình nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, Internet vạn vật…; có chính sách bảo vệ và thúc đẩy sử dụng tài sản trí tuệ; hỗ trợ kinh phí hoặc lãi suất vay cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai công nghiệp 4.0-nơi kết nối doanh nghiệp, viện, trường, thử nghiệm các sản phẩm mới, đào tạo nhân lực, thí điểm chính sách đối với công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, tập trung xây dựng hành lang pháp lý, tiêu chuẩn để triển khai các sản phẩm của công nghiệp 4.0 vào cuộc sống như khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; khung pháp lý cho các thiết bị không người lái; tiêu chuẩn về hệ thống tự động hóa; tiêu chuẩn về bảo mật thông tin cho các thiết bị Internet vạn vật.

- Việt Nam đã có các giải pháp gì để tiếp cận thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc như cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất; tham gia trực tiếp hơn trong chuỗi cung ứng; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức đối với sự chuyển đổi của nền công nghiệp đang thâm dụng vốn và lao động của Việt Nam, đặc biệt là đối với Chính phủ và doanh nghiệp.

Đối với Chính phủ, việc xây dựng chính sách cần tầm nhìn ở góc độ cao hơn để đảm bảo các chính sách có thể hỗ trợ, thúc đẩy hoặc ít nhất là không cản trở các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi “thông minh” nhanh hơn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trực tiếp hơn, đồng thời các chính sách cũng cần thích ứng với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin như các vấn đề về an ninh mạng, sở hữu thông tin, dữ liệu…

Đối với doanh nghiệp, công nghiệp 4.0 là áp lực cạnh tranh khốc liệt trên sân chơi toàn cầu khi các ưu thế về thị trường theo góc độ địa lý bị các công nghệ trong công nghiệp 4.0 xóa mờ, đó là áp lực về nguồn lực để chuyển đổi, đó là áp lực về đổi mới thực sự sáng tạo để tạo đột phá…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải có sự chuyển đổi. Trước mắt là tự nâng cao năng lực để có tiếp cận phù hợp, sau đó chủ động tận dụng cơ hội này.

Chính vì vậy, để chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg chỉ ra các định hướng giúp Việt Nam tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

- Dưới góc nhìn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam nên tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam ảnh 3Xưởng thực hành Tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Nhà nước cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách.

Đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển công nghiệp 4.0, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hoá, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia. Quyết liệt đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục STEM và dạy nghề. Phát triển một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia.

Ngoài ra, cần mở rộng chiến lược hợp tác cụ thể với các quốc gia đi đầu trong khu vực và thế giới để cùng phát triển những thế mạnh của Việt Nam, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, cần phải xây dựng một chiến lược tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp cho Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để huy động nguồn lực, hướng đến một mục tiêu chung là “khát vọng phồn vinh của toàn dân tộc” như Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục