Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt cho hay (chủ đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông), hiện tại, duy nhất có ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông (Tổng thầu Trung Quốc) có mặt tại Việt Nam và đang bị cách ly theo quy định.
Giải thích rõ lý do vì sao chỉ có vị Giám đốc dự án đường sắt người Trung Quốc cách ly, ông Phương cho biết, do ông Hồng có hộ chiếu công vụ nên được cấp visa vào Việt Nam. Những chuyên gia khác hiện chỉ có hộ chiếu phổ thông.
“Đến ngày 9/3 tới, ông Hồng sẽ hết thời hạn cách ly và có thể quay trở lại làm việc,” ông Phương cho hay.
Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã quy định hạn chế xuất cảnh đối với công dân đi các nước do dịch COVID-19 nên các chuyên gia dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể quay lại Việt Nam làm việc. Vì thế, Ban quản lý dự án đường sắt đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra xem xét việc cấp visa cho các chuyên gia Trung Quốc tại dự án.
[Chuyên gia dự án Cát Linh-Hà Đông chưa thể quay trở lại Việt Nam]
Liên quan đến việc triển khai dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Phía Hà Nội cho biết đã bố trí khách sạn để cách ly các chuyên gia Trung Quốc. Tại đây sẽ trang bị đầy đủ thiết bị để có thể làm việc trực tuyến,” Bộ trưởng cho hay.
Được biết, trước Tết Nguyên đán 2020 (tháng Một năm nay), hơn 100 chuyên gia, nhân sự Trung Quốc làm việc tại dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông về Trung Quốc nghỉ Tết.
Theo kế hoạch, khi các chuyên gia trở lại dự án làm việc vào 1/2 vừa qua sẽ bắt đầu vận hành thử hệ thống 20 ngày. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng thầu và tư vấn giám sát đề nghị lùi thời hạn đưa nhân sự trở lại dự án.
Trong cuộc họp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra diễn ra chiều ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “phải ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, trừ trường hợp công vụ.”
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% hạng mục nhưng chưa thể đưa vào khai thác bởi nguyên nhân chính của việc chậm trễ là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tiếp tục yêu cầu Tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông dài hơn 13km, đi trên cao, với 12 nhà ga. Dự án đang trong giai đoạn cuối để vận hành thử toàn bộ hệ thống để phục vụ đánh giá an toàn, nghiệm thu toàn bộ dự án.
Theo thiết kế của dự án, nhân sự của dự án gồm 681 người, chia thành 21 bộ phận, trong đó có các bộ phận được đào tạo chuyên ngành theo dự án như lái tàu, điều độ chạy tàu, điện lực, vận hành tại các ga, bảo trì thiết bị.
Dự án này sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, với điều kiện chỉ định Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc).
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).
Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại./.