Cách đối phó với sự nóng lên toàn cầu về quyền kiểm soát Bắc Cực

Ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc Cực vừa nhóm họp tại thành phố Rovaniemi của Phần Lan, ngày 7/5 vừa qua để thảo luận về tương lai của Bắc Cực.
Đại diện các nước tại cuộc họp của Hội đồng Bắc cực ở Rovaniemi, Phần Lan ngày 7/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc Cực vừa nhóm họp tại thành phố Rovaniemi của Phần Lan, ngày 7/5 vừa qua để thảo luận về tương lai của Bắc Cực.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa các nước, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc về cách đối phó với sự nóng lên toàn cầu và về quyền kiểm soát khu vực Bắc Cực, vùng đất giàu tiềm năng và có vị thế chiến lược này.

Hội đồng Bắc Cực được thành lập từ năm 1996 với sự tham gia của Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Canada, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng Bắc Cực.

Ngoài ra còn có nhiều nước khác là quan sát viên, trong đó có Trung Quốc giữ tư cách quan sát viên trong cơ quan này từ năm 2013.

Tầm quan trọng của Bắc Cực

Bắc Cực trở nên hấp dẫn nhiều quốc gia trên thế giới vì khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ và khí đốt.

Về mặt địa lý, Bắc Cực tuy là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng lại chiếm tới gần 30% trữ lượng khí đốt và 13% trữ lượng dầu mỏ chưa được phát hiện trên toàn thế giới.

Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng là nơi rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm, nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí.

Trữ lượng khai thác cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước “hé lộ,” khiến nhiều loài cá có thể di cư từ phía Bắc xuống.

Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc Cực bắt đầu tan, khiến các quốc gia trên thế giới hy vọng về việc hình thành những tuyến hàng hải mới cũng như khả năng tiếp cận đáy biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên Bắc Cực.

[Mỹ từ chối ký thỏa thuận tại cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực]

Khi những tuyến hàng hải qua Bắc cực được hình thành, người ta cho rằng các tuyến giao thông này sẽ giúp rút ngắn đáng kể cự ly và thời gian vận chuyển so với các tuyến vận tải trên biển hiện nay.

Các chuyên gia hàng hải dự đoán, ngay trong thế kỷ XXI, giao thông hàng hải tại Bắc Băng Dương sẽ gặp thuận lợi ít nhất là vào 4 tháng mùa Hè, giúp rút ngắn thời gian so với hành trình qua kênh đào Suez hay Panama.

Tới năm 2030, “tuyến giao thông Biển Bắc” sẽ được thông thương khoảng 9 tháng/năm. Điều này sẽ cắt ngắn thời gian di chuyển hành trình giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Panama hay Suez.

Ngoài việc giảm được thời gian, các tàu chở dầu trọng tải lớn còn tránh được những quy định về kích thước tàu, khiến cho Bắc Cực ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nước có đội tàu siêu trường, siêu trọng. Các đội tàu này đang gặp nhiều khó khăn khi trong tuyến hành trình của mình, họ buộc phải đi qua kênh đào Suez và Panama…

Cạnh tranh giữa các nước

Khi băng tan, việc khai thác tài nguyên của Bắc Cực đang hứa hẹn là cuộc cạnh tranh lớn của nhiều quốc gia. Những năm qua, các quốc gia đã ráo riết cạnh tranh quyền kiểm soát khu vực Bắc cực, tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để khi băng tan có thể khai thác phần lớn trữ lượng dầu khí còn sót lại của thế giới, cộng với các mỏ khoáng sản khổng lồ như kẽm, sắt và kim loại hiếm.

Song hành với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, các nước còn từng bước triển khai lực lượng quân sự tại đây, gây nên một cuộc chạy đua quân sự ở khu vực này.

Mục đích của các nước trong việc triển khai lực lượng quân sự tại Bắc Cực là muốn khẳng định sự hiện diện quốc gia của họ, hỗ trợ bảo vệ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, khai thác tài nguyên và hoạt động thương mại...

Hiện nay, Nga đã mở lại các căn cứ quân sự gần Bắc cực vốn đóng cửa từ sau Chiến tranh Lạnh và hiện đại hóa Hạm đội phương Bắc hùng mạnh. Đáp lại, Mỹ cũng đã tái lập hạm đội có trách nhiệm giám sát Bắc cực. Ngoài ra, Na Uy, Canada, Đan Mạch… cũng tăng cường ngân sách quốc phòng phục vụ cho các hoạt động ở Bắc cực.

Tuyết bao phủ tại đảo Lofoten, Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chậm chân hơn Nga và Mỹ, song Trung Quốc cũng tỏ ra không kém cạnh trong cuộc chạy đua ở Bắc Cực. Trong giai đoạn từ năm 2012-2017, Trung Quốc đã đầu tư vào khu vực Bắc Cực gần 90 tỷ USD. Nước này cũng đã đưa các tàu phá băng tới Bắc cực và đề xuất xây trạm vệ tinh mặt đất ở Greenland.

Tham vọng của Bắc Kinh ở Bắc cực còn được nước này đặt ra trong Sách trắng có tiêu đề “Chính sách Bắc cực của Trung Quốc,” phát hành vào tháng 1/2018, tuyên bố rằng Trung Quốc là nước gần Bắc cực và có thể tham gia vào việc cai quản vùng này.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn công khai nói về mong muốn tạo ra một tuyến giao thương qua Bắc Cực, được gọi là Tuyến Biển Bắc, một phần của chính sách Vành đai và Con đường.

Trong bối cảnh cạnh tranh về lợi ích giữa các nước ở Bắc cực như vậy, giữa các nước xuất hiện ngày càng nhiều mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, như việc Bắc cực có nguy cơ bị “quân sự hóa,” hay việc băng tan do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, việc nhiệt độ không khí trên bề mặt ở Bắc cực đang nóng lên gấp đôi so với phần còn lại của địa cầu đang được các chuyên gia đặt ra là vấn đề cần phải ưu tiên quan tâm hơn là chuyện tranh giành ảnh hưởng giữa các nước.

Theo một số nhà nghiên cứu, đại dương ở Bắc cực có thể không có băng trong những tháng mùa hè trong vòng 25 năm tới. Điều đó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thời tiết thế giới cũng như động vật hoang dã và dân cư bản địa ở vùng Bắc cực.

Vì vậy, trong tương lai, các bên tham gia Hội đồng Bắc Cực, kể cả các quan sát viên cần phải nỗ lực hợp tác quốc tế hơn nữa mới hy vọng giải quyết được các vấn đề ở đây. Các quốc gia này không chỉ cần phải thúc đẩy bảo vệ môi trường mà còn cần tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận ràng buộc về pháp lý, ứng phó với các thách thức về tìm kiếm cứu nạn, ngăn ngừa và sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu ở Bắc Cực.

Bên cạnh đó, việc phối hợp và thảo luận về hợp tác khai thác du lịch, đường hàng hải Bắc Cực, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường... giữa các nước là biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tranh chấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục