Theo trang mạng edition.cnn.com, từ các đoạn clip trên mạng xã hội TikTok về xe tăng ở Belgorod đến các đoạn băng ghi hình đăng tải ở Telegram về các cuộc tấn công gần Kiev, nhiều hình ảnh trên mạng xã hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin về Ukraine, tiết lộ các cuộc tấn công và những diễn biến quân sự mới.
Việc đảm bảo các hình ảnh và băng ghi hình là chân thật, chính xác và có kiểm chứng là điều rất quan trọng trong bối cảnh nhiều thông tin sai lệch được lan truyền xung quanh cuộc tấn công của Nga tại Ukraine.
Nhóm điều tra của CNN đã theo dõi các luồng thông tin liên tục từ các phương tiện truyền thông xã hội và sử dụng một số công cụ lọc nhiễu, lựa chọn các đoạn băng ghi hình phù hợp nhằm phục vụ việc định vị và kiểm chứng các sự kiện.
Căn cứ vào danh sách trên Twitter gồm những người dùng địa phương, những người có ảnh hưởng và các chuyên gia thuộc Cộng đồng Trí tuệ Nguồn Mở (OSINT), cũng như theo dõi các tài khoản quan trọng trên Telegram và TikTok, là những bước đầu tiên để đảm bảo rằng CNN luôn cập nhật mọi thông tin xung quanh các cuộc tấn công.
[Vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine: Đã có tiến triển đáng kể]
Trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột, tình hình khá rối loạn với nhiều luồng thông tin, vì vậy những đoạn băng ghi hình cảnh vật và không gian trở thành “chìa khóa” cho việc đưa tin chính xác về các cuộc tấn công bất ngờ.
Ngày 24/2, một video bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội về cảnh một máy bay trực thăng bay giữa một đám khói đen lớn bốc cao lên bầu trời. Một số bài đăng cho rằng vụ việc này diễn ra gần sân bay Hostomel, cách Kiev khoảng 25km.
Vào thời điểm video này bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, người ta vẫn chưa xác nhận được lực lượng Nga đang tiến gần Kiev, vì vậy việc xác minh tính chân thực của đoạn phim trở nên cấp thiết.
Việc tìm ra nơi đoạn phim lần đầu được đăng tải trên mạng xã hội là điều khá quan trọng để hiểu đúng về bối cảnh và loại trừ những nội dung đã cũ. Ví dụ, nếu đoạn video lần đầu tiên được chia sẻ trên Telegram, nền tảng này sẽ lưu trữ siêu dữ liệu không giống như hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội, cung cấp cho CNN thông tin quan trọng về thời gian và địa điểm mà video được ghi lại.
Cùng với đó, video có thể được kiểm chứng về thời gian bằng cách tìm kiếm ngược lại thông qua ứng dụng của Google.
CNN còn một “mẹo” khác để kiểm chứng thời gian của đoạn phim là đánh giá xem thời tiết và bối cảnh trong đó có trùng khớp với thời gian được nói đến hay không.
Điều này được họ sử dụng bằng việc tra cứu thông tin trên một số trang mạng như Wolfram Alpha hoặc kênh nội bộ CNN Weather.
Nếu không có gì đáng ngờ xuất hiện trên công cụ tìm kiếm hoặc về vấn đề thời tiết, nhóm phân tích của CNN chuyển sang bước tiếp theo là đánh giá các manh mối trực quan trong video.
Nếu trong cảnh quay có bất kỳ điểm đặc biệt nào như nhà thờ hoặc đài kỷ niệm, nhóm phân tích có thể cắt hình ảnh và tiếp tục dùng các công cụ tìm kiếm của Google để xác định vị trí hoặc địa điểm khả thi.
Trở về với đoạn băng ghi hình kể trên, theo công cụ Google Earth, người ta xác định địa điểm nằm không xa sân bay Hostomel.
CNN dựng một bức tranh toàn cảnh bằng cách sử dụng các hình ảnh từ video và sử dụng các hình dạng có màu sắc tương ứng với các tòa nhà, công trình trong đó, cập nhật liên tục khi có những thông tin mới. Hình ảnh vệ tinh, nếu có, được cho là “manh mối” đặc biệt quan trọng.
Dữ liệu về các đám cháy hiện tại từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) của Mỹ là nguồn cung cấp dữ liệu có thể tận dụng để xác định vùng chiến sự.
Thực tế là sau khi xác định được vị trí của đoạn băng ghi hình, nhà chức trách Ukraine xác nhận họ đã bắn rơi một máy bay trực thăng tại Hostomel. Matthew Chance, phóng viên của CNN, với những phân tích vị trí từ hãng, đã nhanh chóng tới hiện trường và chứng kiến khoảnh khắc vô cùng đặc biệt sau đó./.