Nếu da bạn có dấu hiệu "mốc meo" trong thời tiết hanh khô, hãy xem lại trong quá trình chăm sóc da hàng ngày, liệu bạn từng có sai lầm như dưới đây không nhé:
1. Rửa mặt bằng nước ấm hoặc nóng
Nước ấm giúp làm giãn nở lỗ chân lông khiến cho sữa rửa mặt có thể len sâu vào bên trong và lấy đi bụi bẩn cho da, tuy nhiên đồng thời nó cũng làm cho độ ẩm trên da nhanh chóng bị bay hơi.
Vì vậy, khi thời tiết trở lạnh, hãy cố gắng sử dụng nước mát để rửa mặt hoặc chỉ dùng nước ấm ở khâu làm ẩm mặt ban đầu. Biết rằng cái giá lạnh của mùa Đông sẽ khiến chị em e dè khi phải chạm tay vào nước mát, nhưng hãy nhớ nguyên tắc “giữ da mát mẻ để trẻ lâu” nhé!
2. Không cân bằng da ngay sau khi rửa mặt
Bạn có thể bỏ qua serum hay mặt nạ ngủ nhưng nhất định phải cân bằng độ ẩm cho da ngay sau khi rửa mặt. Đặc biệt vào mùa Đông, da mất nước rất nhanh, những chai toner hay lotion dạng lỏng lúc này sẽ trở thành "bảo bối" trong tủ đồ làm đẹp.
Nước và sữa rửa mặt, cả không khí hanh khô cùng tước đi lớp màng ẩm tối thiểu trên da. Nếu bạn không nhanh chóng bù lại độ ẩm bằng các loại toner hay lotion thì độ pH trên da sẽ thiên về tính kiềm, da khô và không có lớp màng axit bảo vệ. Khi ấy, vi khuẩn sẽ có điều kiện xâm nhập và gây nên mụn.
3. Không massage
Đừng nghĩ rằng massage da mặt là một việc làm vô thưởng vô phạt, có cũng được, thiếu cũng chẳng sao. Lý do khiến bạn vẫn bị “mốc mặt” cho dù đã dùng đến những loại kem dưỡng ẩm siêu việt đó chính là vì không massage da trong quá trình thoa kem.
Dưới tác động của các đầu ngón tay, kem dưỡng sẽ có khả năng thẩm thấu sâu hơn vào da đồng thời cũng khiến các mạch máu tuần hoàn và nuôi dưỡng da tốt hơn. Bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi từ từ của các tế bào da, các dấu hiệu lão hóa cũng sẽ được đẩy lùi.
4. Bỏ quên vùng chóp mũi
Chóp mũi luôn là nơi tố cáo mức độ “mốc meo” của bạn nhiều nhất, đặc biệt là khi bạn trang điểm hoặc sử dụng kem chống nắng không có nhiều thành phần dưỡng ẩm. Đơn giản bởi mũi là cơ quan hô hấp chủ yếu của cơ thể nên độ ẩm ở chóp mũi cũng dễ bị “thổi bay” theo chuyển động của hơi thở.
Cách đơn giản để khắc phục tình trạng này là hãy dùng sữa dưỡng hoặc kem dưỡng ẩm 2 lần đối với vùng chóp mũi. Bạn có thể chờ vài phút cho lớp kem đầu thấm hết rồi tiếp tục dùng tay vỗ nhẹ lớp dưỡng thứ hai lên da để có một kết thúc hoàn hảo.
5. Đắp mặt nạ quá lâu
Ai cũng nghĩ đắp mặt nạ nghiễm nhiên sẽ tốt cho da, nhưng nhiều người không hề hay biết rằng da sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng đi xuống nếu thời gian đắp mặt nạ kéo dài quá mức cho phép. Điều này sẽ xảy ra khi xuất hiện hiện tượng mao dẫn, hiểu nôm na là hiện tượng hơi nước đi từ nơi có nồng độ độ ẩm cao xuống nơi có độ ẩm thấp để bù đắp.
Trong mùa lạnh, mọi thứ đều có chiều hướng khô nhanh hơn, kể cả mặt nạ. Nếu bạn đắp mặt nạ lâu, chúng sẽ khô cong và khi đó sẽ hút ngược độ ẩm từ da mặt bạn trở lại khiến da không những không được bổ sung thêm dưỡng chất mà còn khô hơn trước khi được chăm sóc. 15 phút là thời gian tối đa cho tất cả các loại mặt nạ, trừ mặt nạ ngủ.
6. Tẩy da chết quá ít hoặc quá nhiều
Nếu việc tẩy da chết không được thực hiện đều đặn, những lớp da chết già cỗi sẽ tích tụ lại khiến các tế bào mới không có cơ hội để nhú lên. Ngược lại, thường xuyên tẩy da chết cũng khiến cho lớp biểu bì bị bào mòn, trở nên mỏng manh, dễ mất nước và tình trạng khô tróc dễ xuất hiện.
Bởi vậy, số lần tẩy da chết chỉ có thể giới hạn từ 1-2 lần/tuần trong điều kiện không khí có độ ẩm thấp và khô hanh. Đặc biệt, sử dụng xịt khoáng ngay sau quá trình thanh tẩy là điều bạn nên làm để có làn da khỏe mạnh, mịn màng./.