Cách cha mẹ ở Hà Lan giúp con cái trở nên hạnh phúc nhất thế giới

Cha mẹ cho trẻ được tự tin bày tỏ ý kiến, đặt ra những giới hạn rõ ràng kèm theo sự yêu thương và tình cảm ấm áp sẽ mang tới những kết quả khả quan cho con trẻ.
Trẻ em ở Hà Lan. (Nguồn: thesun.co.uk)

Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, trẻ em Hà Lan nằm trong nhóm hạnh phúc nhất thế giới và các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố giúp tạo nên môi trường sống lành mạnh cho các em.

Báo cáo được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố chỉ ra rằng trẻ em Hà Lan có điều kiện phúc lợi cao nhất thế giới.

Báo cáo dựa trên những phân tích dữ liệu từ 41 quốc gia thu nhập cao, xếp hạng các nước theo điểm phúc lợi tinh thần, sức khỏe thể chất và điều kiện phát triển các kỹ năng học vấn và xã hội dành cho trẻ em.

Hà Lan đứng đầu danh sách với mức điểm cao nhất, tiếp đến là Đan Mạch và Na Uy. Các nước gồm Chile, Bulgaira và Mỹ xếp cuối bảng.

Chỉ số về cải thiện đời sống năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng chỉ ra Hà Lan đạt điểm số cao trong một số chỉ tiêu như thu nhập, giáo dục, nhà ở và y tế.

Chuyên gia Anita Cleare, tác giả cuốn ''The Working Parent’s Survival Guide'' - cẩm nang hướng dẫn chăm sóc con cái dành cho bố mẹ đang đi làm, nhấn mạnh cần hiểu rõ vai trò của các yếu tố kinh tế và xã hội tác động đến mức độ hạnh phúc của trẻ em.

Bà giải thích rằng nếu một đứa trẻ được đáp ứng đủ những nhu cầu cần thiết sẽ có cơ hội hạnh phúc hơn. Cùng với đó, cha mẹ cho trẻ được tự tin bày tỏ ý kiến, đặt ra những giới hạn rõ ràng kèm theo sự yêu thương và tình cảm ấm áp, sẽ mang tới những kết quả khả quan cho con trẻ. Ngược lại, cách dạy dỗ khiến trẻ nhỏ thấy tủi hổ thực sự gây hại cho các con.

Về vấn đề này, bà Cleare khẳng định người Hà Lan rất coi trọng việc cởi mở nói chuyện về những chủ đề được cho là "không tiện nói" ở những quốc gia khác.

Ngoài ra, theo chuyên gia Cleare, người Hà Lan cũng rất tôn trọng sự đa dạng và tinh thần chủ động hòa nhập. Với các bậc cha mẹ, đây là một cách tiếp cận quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi trẻ em phải đương đầu với nhiều áp lực từ học tập cho đến xã hội, với sự xuất hiện của các loại hình mạng xã hội.

[Việt Nam tăng 4 bậc trong Bảng xếp hạng các nước hạnh phúc nhất]

Bà Cleare cho rằng với việc được nuôi dưỡng trưởng thành trong một môi trường văn hóa mà mọi điểm khác biệt đều được tôn trọng, trẻ em sẽ cảm thấy được là người chúng mong muốn trở thành mà không bị phán xét. Những điều kiện đó sẽ giúp mọi mối quan hệ bạn bè, mọi hoạt động vui chơi trở nên tích cực hơn và sẽ giúp tăng cảm giác hạnh phúc cho trẻ.

Nghiên cứu của UNICEF chỉ ra có 81% số trẻ vị thành niên ở Hà Lan cảm thấy việc kết bạn rất dễ dàng. Đây là tỷ lệ cao nhất trong nhóm 41 quốc gia được UNICEF nghiên cứu. Báo cáo cũng chỉ ra trẻ vị thành niên ở Hà Lan có tỷ lệ hài lòng với cuộc sống cao nhất dù đang trong độ tuổi học hành bận rộn.

Về khía cạnh này, Amanda Gummer, nhà sáng lập tổ chức phát triển kỹ năng the Good Play Guide, chỉ ra rằng ở Hà Lan, việc học không mang tính cạnh tranh mà tập trung vào việc khơi dậy và thúc đẩy cảm hứng học tập.

Bà Gummer khuyên các cha mẹ nên nhớ rằng kết quả thi cử không phải là tất cả mà quan trọng là phải kích thích được trí tò mò trong trẻ. Bà cho rằng có nhiều điều để học tập từ các quốc gia được xếp trong nhóm gương mẫu về phúc lợi trẻ em.

Ví dụ, tại Na Uy, văn hóa đoàn kết rất rõ nét. Việc giúp đỡ người khác rất tốt cho sức khỏe tinh thần, vì vậy hãy nghĩ về cách mà cả gia đình có thể đóng góp cho cộng đồng, ví dụ như việc tham gia các công việc tình nguyện.

Cũng theo báo cáo của UNICEF, không phải tất cả trẻ em sống ở các quốc gia giàu có đều có tuổi thơ tốt đẹp. Theo đó, kể cả những quốc gia có các điều kiện xã hội, kinh tế và môi trường tốt cũng còn phải nỗ lực nhiều mới có thể đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra đến năm 2030.

Để khắc phục những mặt còn hạn chế, UNICEF kêu gọi các quốc gia thu nhập cao hãy chủ động tìm hiểu từ chính các trẻ em về cách để cải thiện đời sống của các em, đồng thời đảm bảo các chính sách thúc đẩy phúc lợi trẻ em được triển khai một cách nhất quán và chặt chẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục