Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao trên toàn thế giới.
Các nhà sản xuất và cung ứng rượu vang tại Italy không nằm ngoài những tác động này.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh đã thay đổi cách thức vận hành của ngành này tại Đất nước hình chiếc ủng theo cách rất riêng, từ sản xuất đến bán hàng và tiêu thụ và thậm chí cả cách mà các hộ trồng nho ủ rượu quảng bá sản phẩm của họ.
Đa phần các nhà hàng tại Italy đã đóng cửa trong nhiều tuần kể từ khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa các nước do dịch bệnh COVID-19 từ ngày 10/3 vừa qua.
Nền kinh tế toàn cầu chao đảo và các lệnh hạn chế vận tải quốc tế cũng khiến các thị trường nước ngoài co hẹp lại.
Số liệu cho thấy doanh số bán rượu trực tiếp cho các cá nhân đã tăng trong thời gian phong tỏa, nhưng không thể bù đắp được doanh số bán cho nhà hàng và xuất khẩu sụt giảm.
Theo Lorenzo Tersi, chuyên gia tư vấn kỳ cựu trong ngành kinh doanh rượu tại Italy, trong quý đầu năm nay, doanh số rượu vang của nước này đã sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo doanh số có thể tiếp tục giảm ít nhất là 40% trong tháng Tư này và tháng Năm tới cũng không khả quan hơn.
[Ngành rượu vang Australia bị ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu]
Trên thị trường quốc tế nói chung, tình hình còn bi đát hơn. Trong báo cáo mới nhất của mình, Tổ chức Nho và rượu vang quốc tế, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Paris (Pháp), ước tính doanh số rượu nho và doanh thu của các hãng cũng như các nhà phân phối sẽ giảm tới 50% trong cả năm nay.
Báo cáo công bố giữa tuần này sau khi Italy, Pháp và Tây Ban Nha - 3 nước sản xuất rượu nho lớn nhất châu Âu - chính thức đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ 350 triệu euro (khoảng 380 triệu USD) để hỗ trợ các nhà sản xuất rượu nhỏ của mình khỏi nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, từng chủ doanh nghiệp có cách làm riêng của mình để sống sót qua thời dịch bệnh. Armando Spina, chủ hai cửa hàng rượu vang cao cấp nổi tiếng tại thủ đô Rome, dự đoán thị trường rượu vang sẽ phục hồi chậm ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Các cửa hàng của ông đã đóng cửa và ông chuyển sang giao hàng tại nhà, giảm giá cho khách hàng để kích cầu. Với các dòng sản phẩm cao cấp của mình, Spina tỏ ra không mấy lo ngại vì phân khúc thị trường này vẫn rất tiềm năng.
Theo bà Lene Bucelli, một trong những "đại gia" rượu vang ở Italy, về cơ bản doanh số rượu vang cao cấp không thay đổi nhiều trên toàn cầu. Do dịch bệnh, các lễ hội rượu vang bị hủy bỏ và khách hàng không đến cửa hàng, các hãng buộc phải thay đổi chiến lược bán hàng.
Họ chủ động chia sẻ thông tin trên mạng, đẩy mạnh bán online, quảng bá sản phẩm tới các chuyên gia và nhập khẩu trên toàn thế giới với sự hỗ trợ của mạng Internet.
Bucelli chia sẻ chiến lược thay đổi này đã tỏ ra khá hiệu quả và có thể duy trì tới khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này qua đi./.