Có thể nói khoảng thời gian vài năm qua đã cho thấy một loạt các xu hướng nổi lên của báo chí hiện đại. Trước đây, giới nghiên cứu đã bàn rất nhiều về những thuật ngữ như multi-media, social media, tòa soạn hội tụ, hay chuyện kết hợp báo in và website như thế nào, thậm chí về kỹ thuật là những tranh cãi giữa xu hướng native apps (ứng dụng cài đặt trên máy di động) và HTML5.
Song tất cả đã phải nhường chỗ cho một loạt các xu hướng mới. Có thể tạm liệt kê như sau:
• Multi-media, Multi-platform (Đa nền tảng)
• Mobile Media, Mobile Journalism (Báo chí di động)
• Social Media, Social Journalism (Báo chí xã hội)
• Data Journalism (Báo chí dữ liệu)
• Innovative Journalism (Báo chí sáng tạo)
• Global collaborative journalism (Hợp tác toàn cầu)
• Digital mega-stories (Siêu tác phẩm báo chí)
• “Wearables” (Các thiết bị đeo trên người)
• Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo)
1. Giờ đây báo chí phải hướng đến đa nền tảng. Chỉ báo in, truyền hình hay website thì chưa đủ mà phải đồng thời có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt (responsive design). Thậm chí các ứng dụng cho mobile cũng biến chuyển liên tục để dần tập trung khai thác các thị trường ngách nhằm tạo ra lợi nhuận, thay vì chỉ tranh đua để chứng tỏ sự hiện diện của mỗi tờ báo trên nền tảng mới mẻ này.
Người ta còn hướng tới các nền tảng còn chưa trở nên thông dụng và chưa thành sản phẩm thương mại, ví dụ như các thiết bị đeo trên người (wearables) như vòng đeo tay hoặc kính.
Mức độ “đa nền tảng” cũng ngày càng trở nên cao cấp hơn chứ không chỉ đơn giản là việc sử dụng cùng một mật khẩu để truy cập. Độc giả xem báo in có thể dùng điện thoại di động “đánh dấu” một bài viết và xem lại trên thiết bị điện tử khi có thời gian, hoặc truy cập mã QR để theo dõi các sản phẩm đa phương tiện như đồ họa hoặc video. Hoặc một độc giả đang theo dõi một bài viết trên máy tính, khi rời bàn làm việc để di chuyển thì có thể truy cập thẳng vào bài viết đó trên máy tính bảng hoặc điện thoại di động.
Nhờ tính năng cá nhân hóa và địa phương hóa, hệ thống có thể “hiểu” nhu cầu người dùng để giới thiệu loại nội dung phù hợp trên mọi nền tảng.
Các thiết bị đeo trên người được cho là nền tảng tương lai mang lại hiệu quả to lớn cho nhiều mặt của cuộc sống, đặc biệt là về y tế. Đối với báo chí và truyền thông, đây cũng là một kênh tiếp cận quan trọng. Hiện đã có những ứng dụng cho phép đọc tin nhanh trên đồng hồ đeo tay cũng như những thử nghiệm cho kính Google Glass.
2. Thời đại mobile media đang tới gần, và đương nhiên báo chí cũng phải chuyển sang tập trung hơn vào báo chí di động. Trong lúc khái niệm “web-first” (ưu tiên trước hết cho website) còn chưa trở nên phổ biến với nhiều cơ quan báo chí, nhất là những tờ báo in đang còn cố níu kéo vì lo mất nguồn quảng cáo lớn, thì đã xuất hiện xu hướng “mobile-first.”
Không ít tờ báo trên thế giới cho biết số lượng đọc báo qua điện thoại di động của họ đã vượt cả website. Đầu tư cho một phiên bản mobile - dù là ứng dụng tải xuống điện thoại dạng native app hay sử dụng trình duyệt với công nghệ HTML5 (mobile web) - hiện khá đơn giản và không quá tốn kém chi phí nên không còn trở ngại nào về kỹ thuật, song không phải tất cả các cơ quan báo chí đều có “chiến lược mobile” cụ thể.
Nói chung, phiên bản mobile của các cơ quan báo chí Việt Nam không khác gì với phiên bản cho máy tính. Thực tế, với một màn hình nhỏ (cho dù nhiều máy phablet có màn hình hơn 5 inch), lại chủ yếu được xem theo chiều dọc (portrait) và cách thức tiếp nhận nội dung của người dùng hoàn toàn khác biệt, việc tạo ra nội dung dành riêng cho điện thoại di động là điều hiển nhiên.
Nhiều ứng dụng đọc báo của nước ngoài được thiết kế riêng cho điện thoại nên hình ảnh được làm lại, cách di chuyển (navigation) cũng khác so với khi đọc bằng máy tính, độ dài của thông tin và cách thức kết nối từ thông tin này sang thông tin khác cũng được chỉnh sửa cho phù hợp.
Mặt khác, điện thoại di động không chỉ là nền tảng đọc báo mà còn là nền tảng tác nghiệp. Các nhà báo trước đây dùng bút, máy chữ, sau đó chuyển sang máy tính và giờ đây chỉ cần dùng điện thoại di động là kết hợp cả máy tính lẫn máy ảnh và máy quay phim.
Để làm được điều đó thì điều quan trọng trước hết là người phụ trách phiên bản di động phải có “tư duy mobile,” kế đó là việc đào tạo kỹ năng cho các phóng viên để có thể tác nghiệp linh hoạt với chiếc điện thoại di động của mình: họ có thể viết tin văn bản và cập nhật nội dung nhanh chóng cho tòa soạn, biết chụp ảnh, quay video và biên tập cơ bản bằng những ứng dụng trên điện thoại di động, thậm chí có thể sử dụng những ứng dụng truyền thông mới (new media) để tường thuật trực tiếp, truyền phát video trực tiếp (live streaming) lên thẳng website.
Đương nhiên, sử dụng điện thoại nghĩa là phải chấp nhận thỏa hiệp phần nào về chất lượng hình ảnh và video, song báo chí hiện đại cho phép điều này bởi đặt nặng tính thời sự hơn tính nghệ thuật. Ngoài ra, công nghệ càng ngày càng hiện đại và có nhiều phụ kiện hỗ trợ nên chất lượng chụp ảnh/quay phim của điện thoại di động càng ngày càng cải thiện.
Hiện đang có một quan điểm rằng do tỷ lệ người dùng điện thoại di động với màn hình dọc quá lớn, nên video không nhất thiết phải theo chiều ngang như TV theo tiêu chuẩn thông thường.
Một ứng dụng mới với tên gọi Periscope của trạng mạng xã hội Twitter vừa ra mắt vào cuối tháng 3/2015 để cạnh tranh với địch thủ Meerkat trước đó, cho phép người dùng tải video dạng live streaming. Tuy là một trang chia sẻ video nhưng giới chuyên môn cho rằng nó có thể là một công cụ làm báo vô cùng hiệu quả và tức thời.
3. Giờ đây truyền thông xã hội không phải là một lựa chọn của báo chí nữa mà đã trở thành điều bắt buộc trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày. Chính vì thế trên trang đào tạo báo chí nổi tiếng Poynter.org có hẳn một chuyên mục “social journalism.”
Pageview (số lượt xem) của mỗi tin bài một thời từng được coi là thước đo hiệu quả tin tức, nhưng hiện nay các tòa soạn chú trọng hơn đến chỉ số tương tác qua mạng xã hội, bao gồm cả số lần “like,” các bình luận luận hay số lần được chia sẻ. Sự tương tác của người xem (engagement) đang trở thành tiêu chí đánh giá chất lượng của bài viết.
Và đương nhiên, số lượng truy cập từ mạng xã hội đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các báo điện tử, bên cạnh lượng truy cập trực tiếp và truy cập từ các trang khác (referral). Một bài viết trên báo giờ đây không chỉ nhằm đến độc giả mà còn phải nhằm đến bạn bè của độc giả vì có như vậy thì bài viết mới dễ được chia sẻ và tiếp tục được lan truyền.
Đang có một quan điểm gọi là “social first” đối với các tòa soạn hiện đại, nghĩa là khi có thông tin nóng thì thậm chí được chia sẻ trước hết lên mạng xã hội. Và social journalism khuyến khích sự tham gia của người dùng vào quá trình làm báo từ khi sự việc bùng phát cho đến khi có tác phẩm báo chí hoàn thiện.
Báo chí xã hội còn có nghĩa là biết sử dụng mạng xã hội để tác nghiệp. Các nhà báo hiện nay phải biết dùng mạng xã hội để khai thác thông tin, thẩm định thông tin và truyền phát thông tin. Rõ ràng trong thời đại thế giới phẳng và kết nối chặt chẽ qua mạng xã hội hiện nay, khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nhà báo công dân với chiếc máy điện thoại có camera, các nhà báo không phải là những người duy nhất có khả năng lan truyền thông tin.
Rất nhiều tin tức xuất hiện sớm nhất trên mạng xã hội và nội dung do người dùng khởi tạo (user-generated content) đang được coi là một phần quan trọng trên báo chí. Đương nhiên, theo tiêu chuẩn báo chí chuyên nghiệp, nhà báo sử dụng mạng xã hội chỉ mang tính tham khảo, coi đó như một nguồn tin ban đầu, sau đó phải tìm cách thẩm định thông tin đó.
Kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả sẽ giúp phóng viên thậm chí thẩm định thông tin qua kênh này sau khi tiếp nhận thông tin, và khi hoàn thành sản phẩm thông tin thì biết cách truyền bá sản phẩm của mình một cách nhanh nhất.
4. Báo chí dữ liệu là một thể loại mới trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây, song thực tế nó đã được sử dụng từ cách đây cả thế kỷ. Tuy nhiên, báo chí dữ liệu chỉ thực sự phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ cũng như sự lan truyền của Internet.
Thế giới bước vào kỷ nguyên “Big Data” thì báo chí dữ liệu lại càng trở nên quan trọng. Có nhiều cơ quan báo chí nước ngoài xây dựng riêng các nội dung dữ liệu kiểu này, cung cấp nội dung “thô” để người đọc tự tìm hiểu và có đánh giá riêng (Đương nhiên, nếu muốn, độc giả có thể tham khảo thêm các ý kiến của chuyên gia).
Nhiều năm trước, tin đồ họa đã được dùng rất nhiều trên báo in, từ những thông tin thời tiết đơn giản cho đến những nội dung phức tạp hơn, được trình bày công phu bằng các phần mềm xử lý hình ảnh, và một hình vẽ mô tả một trận chiến tấn công lực lượng khủng bố, một thảm họa động đất-sóng thần hay công tác chuẩn bị cho một giải đấu thể thao rõ ràng trực quan và dễ hiểu hơn nhiều so với một bài viết bằng văn bản. Đương nhiên, một tin đồ họa không thể thay thế hoàn toàn cho các nội dung thông tin khác, nhưng nếu được dùng với vai trò bổ trợ sẽ mang lại hiệu quả thông tin cao hơn nhiều.
Gần đây, cách làm tin đồ họa trở nên dễ dàng hơn nhiều với những chương trình trên Internet, trong đó các gói dịch vụ dành cho những cơ quan báo chí chuyên nghiệp đòi hỏi phải trả phí để được truy cập những tiện ích cao cấp, hoặc cung cấp đội ngũ hỗ trợ triển khai nội dung theo yêu cầu.
Cấp độ cao hơn nữa là đồ họa tương tác, tăng tính trực quan và lôi kéo sự tham gia của độc giả. Thay vì những hình ảnh tĩnh, độc giả có thể theo dõi sự phát triển của sóng thần, hoạt động của tàu thăm dò Sao Hỏa, tuyến bay của chiếc máy bay bị mất tích...
Được sử dụng nhiều nhất chính là trong lĩnh vực thể thao, ví dụ những dịch vụ cho phép theo dõi trực tiếp các trận đấu, thông tin về các cầu thủ, thậm chí cả phân tích dữ liệu tự động để đưa ra các kết quả phỏng đoán trước trận đấu.
Tham khảo chuyên trang bóng đá đồ hoạ tương tác do VietnamPlus hợp tác cùng hãng tin Pháp AFP tại đây.5. Báo chí hiện đại cũng đồng nghĩa với nhiều sáng tạo. Một tác phẩm báo chí giờ đây không đơn giản là mấy trăm, mấy ngàn từ kèm theo bức ảnh minh họa, hoặc một đoạn âm thanh, một phóng sự hình ảnh. Báo chí hiện nay kết hợp tất cả những gì có thể để cách trình bày trở nên hấp dẫn, thu hút hơn, sử dụng cả nhiều công nghệ, phầm mềm, thiết bị tối tân và độc đáo. Nhưng quan trọng hơn là phải có tư duy sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Một sản phẩm báo chí sáng tạo có thể tạo sức hút cao gấp nhiều lần một sản phẩm báo chí thông thường.
Có rất nhiều cách sáng tạo để làm cho một tác phẩm báo chí trở nên hấp dẫn hơn, từ những tác phẩm quy mô kiểu như phóng sự đoạt giải báo chí Pulitzer của New York Times là “Snowfall” hay tác phẩm tương tự của The Guardian về một vụ cháy rừng – với cách gọi tạm thời là digital mega-stories (Siêu tác phẩm báo chí) – cho đến việc sử dụng photomap hay các ứng dụng trên điện thoại di động của một số cơ quan báo chí Hong Kong nhằm phản ánh vụ biểu tình Chiếm Trung tâm gần đây, việc sử dụng hình đồ họa 3D của một hãng cung ứng truyền thông Đài Loan, hay ở Việt Nam là bản tin bằng nhạc rap của báo điện tử VietnamPlus.
Sự sáng tạo là không giới hạn, và sự sáng tạo đó nếu giúp chuyển tải được nội dung trên báo chí thì có thể mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng dự án đặc biệt “Snowfall” báo hiệu một xu hướng làm báo mới trong tương lai, kết hợp thông minh cả nội dung văn bản lẫn video, ảnh và đồ họa 3D. Sau New York Times, một số cơ quan báo chí trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã thử áp dụng cách làm này với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Bản tin RapNewsPlus của VietnamPlus cũng được thế giới thừa nhận bằng giải nhất cho thể loại Digital First của tổ chức báo chí danh tiếng WAN-IFRA.
Có một thuật ngữ mới ra đời là “drone journalism” – báo chí sử dụng thiết bị bay không người lái. Sẽ còn nhiều tranh cãi liên quan tính pháp lý của việc sử dụng các thiết bị này cũng như vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, song một thực tế không thể phủ nhận là những chiếc máy bay không người lái với đủ mọi kích cỡ, đủ mọi tính năng, càng ngày càng hiện đại có khả năng bay xa và bay cao, lại có giá thành hợp lý, đang trở thành những công cụ đắc lực cho hoạt động báo chí khi xảy ra thiên tai, cháy nổ, tai nạn...
Tháng 9/2014, tờ Des Moines Register thuộc sở hữu của tập đoàn Garnett ở Mỹ trở thành một trong những đơn vị báo chí đầu tiên trên thế giới đưa một phóng sự báo chí vào thế giới thực tại ảo (virtual reality), sử dụng kính Oculus VR. Dự án có tên gọi “Harvest of Change,” nói về một trang trại đã trải qua bốn thế hệ trong cùng một gia đình, người xem đeo kính VR và như bước vào một thế giới thực.
Kính thực tại ảo cũng được sử dụng trong một hình thức khác mới mẻ khác là trò chơi liên quan đến hoạt động báo chí, với thuật ngữ tiếng Anh là “gaming journalism.” Chẳng hạn người chơi được giao nhiệm vụ trong vòng 60 giây phải chụp được hình ảnh một sự kiện thời sự, và tùy vị trí đứng của họ mà có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra trước mắt giống hệt như ngoài đời.
6. Cũng nhờ sự phát triển vô cùng nhanh chóng của công nghệ mà giờ đây chúng ta có nhiều sản phẩm thông minh, giúp giảm sức lao động của các nhà báo. Nhiều công đoạn trong quá trình tác nghiệp được hệ các thiết bị, phần mềm “trí tuệ nhân tạo” tự động hỗ trợ, không chỉ giảm gánh nặng cho con người mà còn tăng mức độ chuẩn xác của nội dung, đồng thời nâng cao hiệu suất công việc.
Các phần mềm biên tập và phát hiện đạo báo xuất sắc như Grammarly bắt đầu được nhiều cơ quan báo chí sử dụng, thậm chí một số hãng thông tấn lớn sử dụng robot để viết các bản tin thị trường thay con người. Tất nhiên, vai trò của các nhà báo “bằng xương bằng thịt” là không thể thay thế, nhưng điều không phải bàn cãi là trí tuệ nhân tạo có khả năng giúp một tờ báo tối giản nhân lực hoặc giúp cho quy trình sản xuất trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn./.