Khu di tích Cổ Loa , huyện Đông Anh, Hà Nội mặc dù đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia năm 1962 và Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 nhưng trong khu vực ba vòng thành đất (dấu tích còn lại minh chứng cho thời kỳ dựng nước, giữ nước của Nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương) đang có hàng trăm hộ dân sinh sống từ nhiều đời nay.
Những người quan tâm đến di tích Cổ Loa mong muốn công tác di dân sớm được thực hiện để di tích không phải chịu tác động từ cuộc sống người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Sức ép lên di sản
Qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, từ kinh đô cổ của nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, kinh đô của nhà Ngô do Ngô Quyền lập nên năm 938 cho đến nay, di tích Cổ Loa chịu nhiều tác động của con người và tự nhiên, nhiều đoạn thành cổ bị biến mất, diện tích còn lại đa phần bị xâm phạm. Tại ba vòng thành còn lại gồm thành Nội, thành Trung, thành Ngoại xen lẫn nhiều làng mạc, dân cư là tác nhân gây biến đổi hiện trạng di sản.
Theo thống kê của Ban quản lý di tích Cổ Loa, hiện có khoảng 700 hộ dân đang sống trên mặt thành và hào trong phạm vi di tích Cổ Loa. Trong thời kỳ chiến tranh và cải cách ruộng đất, người dân Cổ Loa đã san thành làm các công trình, lấp hào để làm ruộng, sau này là xây dựng, cơi nới nhà cửa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ngay tại thời điểm này, với các nhà dân sống sát chân Thành Cổ Loa, việc lấn chiếm, khai thác đất tại chân thành là không tránh khỏi.
[Di tích Cổ Loa sẽ là công viên lịch sử sinh thái nhân văn của Thủ đô]
Ông Hoàng Công Huy, Phó trưởng ban Quản lý di tích Cổ Loa khẳng định điều cần thiết bây giờ là sớm giãn dân, di dời các hộ dân sống trên mặt Thành và hào đến nơi tái định cư để tránh những tác động của người dân tới di tích. Nếu không khẩn trương thực hiện việc này, nguy cơ biến mất của các đoạn thành sẽ tiếp tục xảy ra.
Thời gian qua, dù ý thức được việc người dân sống trong phạm vi di tích sẽ tác động lên di tích, vi phạm Luật Di sản Văn hóa nhưng việc kiểm soát và ngăn chặn lại không đơn giản bởi người dân đã sinh sống tại khu vực này từ rất nhiều đời nay, được cấp quyền sử dụng đất và hoàn toàn có quyền tự quyết trong việc sửa chữa, xây dựng nhà ở. Chính quyền xã Cổ Loa lúng túng trước thực tế này, chỉ còn biện pháp duy nhất là tuyên truyền, vận động người dân ở vùng lõi di tích giữ nguyên hiện trạng, vùng phụ cận khống chế xây dựng 2 tầng và 1 tum. Những công trình nào xây dựng quá giới hạn trên, chính quyền xã lập biên bản, vận động người dân điều chỉnh công trình.
Ngay cả tại vùng lõi di tích, bà Nguyễn Thị Lương - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cổ Loa cũng thừa nhận, rất khó thực hiện việc giữ nguyên trạng để bảo tồn. Người dân vẫn tiếp tục xây dựng còn chính quyền địa phương không thể xử lý. Với những hộ dân nằm sát chân Thành, lấn chiếm vào Thành hoặc khai thác đất tại chân Thành, Ủy ban Nhân dân xã Cổ Loa có thể ngăn chặn bằng cách lập biên bản, yêu cầu họ trả lại mặt bằng nếu phát hiện kịp thời.
Theo lãnh đạo xã Cổ Loa, các đoạn Thành chạy qua khu vực thôn nào, thôn đó được giao quản lý, trong đó có quản lý cây xanh được trồng trên Thành. Vừa qua, chính quyền địa phương yêu cầu giữ nguyên trạng toàn bộ cây xanh, không được khai thác, đồng thời Ủy ban Nhân dân xã tiếp nhận toàn bộ số cây để quản lý. Ủy ban Nhân dân xã Cổ Loa cũng phối hợp với Ban Quản lý di tích Cổ Loa thành lập đội tuyên truyền về giá trị di tích đến người dân trong xã để nâng cao trách nhiệm của bà con trong việc bảo tồn di tích.
Cần sớm di dời các hộ dân
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) năm 2015, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch khu tái định cư phục vụ di dân đang sống trong Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/500) năm 2016.
Quy hoạch tổng thể khu di tích Thành Cổ Loa với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử, sinh thái, nhân văn của Hà Nội. Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực thành Nội để đảm bảo ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu di tích.
Còn quy hoạch khu tái định cư giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án thành phần đầu tư bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cổ Loa, có diện tích trên 34 ha với số dân gần 3.000 người, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh yêu cầu các đơn vị liên quan lập dự án, giải phóng mặt bằng để đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đưa người dân đến ở. Tuy vậy, lộ trình triển khai dự án và di dân chưa rõ thời điểm cụ thể.
Điều đáng ghi nhận là người dân sống trong vùng lõi di tích đều ý thức được giá trị và tầm quan trọng trong việc bảo tồn di tích, đồng thời bày tỏ ý thức chấp hành nếu nằm trong diện phải di dời. Gia đình chị Nguyễn Tâm Thư, xóm Mít nhiều năm nay gắn bó với khu vực di tích Cổ Loa. Chị Nguyễn Tâm Thư cho rằng, dù đang có cuộc sống ổn định nhưng Nhà nước yêu cầu di dời, gia đình vẫn chấp hành. Suy nghĩ của chị cũng xuất phát từ niềm tự hào về di sản quê hương và trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản. Cũng như vậy, dù nhiều đời nay sinh sống ở khu vực thành Nội, con cháu đều xây dựng nhà cửa quần tụ xung quanh nhưng bà Nguyễn Thị Sinh, xóm Chùa cũng khẳng định nếu Nhà nước yêu cầu di dời, có thỏa thuận và đền bù thỏa đáng, gia đình bà sẵn sàng di chuyển.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lương - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cổ Loa cho biết, đa số người dân đều đồng tình với chủ trương giãn dân để bảo tồn di tích. Tuy vậy, ngay cả chính quyền xã cũng chưa rõ tiến độ dự án vì chủ đầu tư làỦy ban Nhân dân huyện Đông Anh.
Những người quan tâm đến di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa đang mong muốn chủ trương giãn dân khu di tích Cổ Loa sớm được triển khai để bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn người dân Cổ Loa mong có những thông tin sớm, cụ thể để ổn định cuộc sống./.