Các ứng cử viên Chủ tịch Ủy ban châu Âu tranh luận trực tiếp

Ngày 15/5, tại trụ sở Nghị viện châu Âu lần đầu tiên đã diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp giữa 6 ứng cử viên chạy đua ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Các ứng cử viên Chủ tịch Ủy ban châu Âu tranh luận trực tiếp ảnh 1Các ứng cử viên tranh cử. (Nguồn: EurActiv)

Ngày 15/5, tại trụ sở Nghị viện châu Âu lần đầu tiên đã diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp giữa 6 ứng cử viên chạy đua ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Các chính khách tiềm năng này gồm Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu Manfred Weber, Phó Chủ tịch thứ nhất EC Frans Timmermans, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EC Margrethe Vestager, Chủ tịch Khối đảng Xanh tại châu Âu Ska Keller, Chủ tịch liên minh các đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu Jan Zahradil và ứng viên liên minh cánh tả Nico Cue.

Cuộc tranh luận diễn ra trong gần 2 giờ và được truyền trực tiếp trên Internet và trên các trang mạng xã hội.

Các ứng cử viên không ngại đề cập tới các vấn đề mà cử tri châu Âu đang quan tâm, như tình trạng quá tải người di cư ở châu Âu, các vấn đề mang tính hệ thống trong nền kinh tế làm giảm mức sống của người dân ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội, chính sách đối ngoại đang gây thiệt hại trực tiếp cho Liên minh châu Âu (EU) như việc mua khí đốt của Mỹ cao hơn 30% so với mức trung bình hay các biện pháp trừng phạt chống Nga.

[EC cam kết chống lại nạn tin giả trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu]

Các ứng cử viên đều cho rằng việc giải cứu và bố trí nơi ở người di cư vượt biển đến châu Âu là nhiệm vụ chính của các nước khu vực Địa Trung Hải.

Trong khi đó, toàn xã hội phải có trách nhiệm với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để không làm suy yếu nền kinh tế và việc làm châu Âu.

Ngoài ra, các ứng cử viên đều cho rằng cần phải khuyến khích sự năng động của giới trẻ, thúc đẩy các giá trị chung của dân chủ, nhân quyền và chủ nghĩa nhân văn, cũng như đảm bảo bình đẳng giới.

Về vấn đề đối ngoại, ứng cử viên theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội Timmermans kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu cần tích cực bảo vệ lợi ích của EU.

Ủy viên châu Âu Vestager đề cập tới vấn đề mở rộng EU trong tương lai, cho rằng quá trình này cần nhiều thời gian hơn so với lần mở rộng hồi năm 2014 (khi đó EU tiếp nhận 10 nước Đông và Nam Âu).

Chủ tịch Khối đảng Xanh tại châu Âu Ska Keller đề xuất trong các thoả thuận thương mại với các nước thứ ba, EU không chỉ quy định các nguyên tắc thương mại tự do mà còn một loạt nghĩa vụ của các đối tác như quy tắc thực thi chống biến đổi khí hậu, quy định xử lý động vật tại trang trại  và quyền lợi của người lao động trong các nhà máy.

Chỉ còn 1 tuần nữa, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bước vào kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 đặc biệt quan trọng, quyết định tương lai của EU trong năm năm tới.

Các cử tri châu Âu sẽ bầu ra 751 nghị sỹ của EP, cơ quan lập pháp của EU thực hiện 3 quyền quan trọng là lập pháp, quyết định vấn đề ngân sách và giám sát các hoạt động của EU, đặc biệt là hoạt động của Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU.

Ngoài ra, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, các nghị sĩ châu Âu sẽ bỏ phiếu để bầu ra Chủ tịch EC và bỏ phiếu về vấn đề ngân sách cho hoạt động của EU trong 5 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục