Trước thực trạng đáng buồn về việc đạo đức học sinh ngày càng có biểu hiện đi xuống, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh; trong đó có việc yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn học đường. Các giáo viên này sẽ tư vấn tâm lý, kiến thức kỹ năng sống, hỗ trợ học tập, rèn luyện cho học sinh trong các trường phổ thông.
Trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp sẽ thành lập câu lạc bộ, các trung tâm tư vấn nghề nghiệp, kết hợp tư vấn tâm lý, kỹ năng cho sinh viên.
Những thông tin này vừa được Bộ nêu rõ trong văn bản về kết quả Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Hội thảo do Bộ tổ chức trước đó, từ đầu tháng 4/2014, tại Hà Nội.
Bên cạnh việc bố trí giáo viên tâm lý học đường, Bộ cũng đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa giáo viên và học sinh, giữa sinh viên với ban giám hiệu nhà trường, giữa nhà trường và gia đình học sinh.
Bộ sẽ quy định những yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện đảm bảo và tổ chức bồi dưỡng nâng cao thường xuyên đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên cũng như trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo trong các nhà trường.
Bộ cũng chủ trương đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức lối sống trong các nhà trường; xác định cơ chế quản lý, phối hợp và điều kiện đảm bảo kinh phí, đánh giá kết quả sự phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống giữa nhà trường với gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương và nhà trường với các tổ chức đoàn, đội, hội.
Không chỉ dừng lại ở nội bộ ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ đề xuất cơ chế cụ thể trong việc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để cùng nhau triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên trong thời gian tới./.