Các trường đại học ở Mỹ chiếm ưu thế trong các giải Nobel khoa học

Khoảng 57% số giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học đã được trao cho các nhà nghiên cứu có liên quan đến một trường đại học của Mỹ tại thời điểm công bố giải thưởng.
Đại học California xếp ở vị trí đầu bảng với 38 người giành giải Nobel. (Nguồn: edsource.org)

Các giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực khoa học không chỉ tôn vinh những nhà nghiên cứu mà còn cả các trường đại học nơi họ đang công tác. Đây chính là cuộc đua mà các trường đại học danh tiếng tại Mỹ đang giành chiến thắng áp đảo.

Theo dữ liệu của hãng tin AFP (Pháp) dựa vào thông tin trên trang web chính thức nobelprize.org, kể từ khi Giải Nobel Vật lý, Hóa học và Y học đầu tiên được trao năm 1901 và Giải Nobel Kinh tế đầu tiên năm 1969, đã có 710 nhà nghiên cứu nhận giải hoặc cùng được trao giải thưởng danh giá này.

Với 35% (248 người) sinh ra tại Mỹ, người Mỹ chiếm số lượng nhiều nhất trong danh sách những người đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học.

Các trường đại học Mỹ cũng chiếm ưu thế vượt trội khi công trình của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nhưng có liên quan đến đại học Mỹ được vinh danh.

Khoảng 57% số giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học đã được trao cho các nhà nghiên cứu có liên quan đến một trường đại học của Mỹ tại thời điểm công bố giải thưởng.

[Giải Nobel Hóa học 2020 vinh danh 2 nhà khoa học người Pháp và Mỹ]

Đại học California xếp ở vị trí đầu bảng với 38 người giành giải, trong đó có 13 người đoạt giải Nobel Hóa học và 12 người đoạt giải Nobel Vật lý. Trong đó, người đầu tiên giành giải Nobel là nhà vật lý Ernest Lawrence đoạt giải năm 1939 nhờ tạo ra máy gia tốc cyclotron đầu tiên.

Xếp thứ hai là Đại học Harvard với 33 người, trong đó có 11 người đoạt giải Nobel Y học và 8 người đoạt giải Nobel Vật lý.

Xếp thứ ba là một trường ngoài Mỹ - Đại học Cambridge (Anh) - với 28 người giành giải.

Có 9 trong số 12 trường đại học của Mỹ đã hơn 10 lần được xướng tên trong các mùa Nobel, trong đó có Stanford (23), MIT (20) và Chicago (19). 

Thứ hạng của các trường đại học khác nhau theo từng giải. Về giải Nobel Y học, Đại học Rockefeller giành “ngôi quán quân” khi có đến 13 người đoạt giải thưởng cao quý này. Trong đó, nhà khoa học Charles Rice là một trong 3 chủ nhân của giải Nobel Y học năm nay nhờ phát hiện ra virus viêm gan C. Sau đó là Đại học Harvard với 12 người và Đại học Cambridge với 7 người.

Đại học California vẫn xếp vị trí đầu bảng về cả lĩnh vực Hóa học (13) và Vật lý (12). Xếp thứ hai là Viện Max-Planck (Đức) với 12 người đoạt giải Nobel Hóa học và xếp thứ ba là Đại học Cambridge chỉ kém hơn 1 người, ngay sau đó là Đại học Stanford (10 người).

Viện Công nghệ của California và Đại học Harvard mỗi nơi có 8 người đoạt giải Nobel Vật lý.

Trong khi đó, Đại học Chicago “thống trị” giải thưởng Nobel Kinh tế với 12 người, sau đó là California (8 người) và Harvard (7 người).

Mùa giải Nobel 2020 đã khép lại sau khi các giải Nobel Y học, Hóa học, Vật lý, Y học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế lần lượt được công bố.

Tất cả những nhân vật và tổ chức được vinh danh trong mùa Nobel năm nay đều được đánh giá là xứng đáng và không gây tranh cãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục