Trung Quốc đã tìm đến Thụy Sĩ để hợp tác trong các dự án viện trợ phát triển. Từ trước đến nay, Geneva vẫn mở cửa với những hợp tác như vậy. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cảnh báo về động cơ chính trị của Trung Quốc cho dù đồng ý rằng ảnh hưởng tài chính của Trung Quốc có thể giúp giảm nghèo.
Trung Quốc hồi tháng 1/2021 công bố báo cáo mới nhất về hợp tác phát triển quốc tế. Báo cáo đề cập đến cách tiếp cận của Trung Quốc đối với viện trợ quốc tế và chỉ ra 10 quốc gia và tổ chức khu vực mà Trung Quốc đã “tăng cường trao đổi” và “đã tiến hành các cuộc trao đổi và thăm viếng." Một trong những quốc gia đó là Thụy Sĩ.
Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, tháng 1/2019, Thụy Sĩ trở thành quốc gia đầu tiên - và duy nhất cho đến nay - ký một biên bản ghi nhớ với cơ quan phát triển nhà nước của Trung Quốc. Thụy Sĩ đã mở cửa hợp tác với Trung Quốc ở các nước thứ ba. Các chương trình hợp tác ba bên này đang ở dưới dạng dự án thử nghiệm.
Ngân sách của Trung Quốc dành cho hợp tác phát triển là rất lớn, mặc dù không có số liệu chính thức. Tình trạng này cũng xảy ra với các khoản vay mà nước này cấp cho các nước nghèo. Nhà kinh tế Sebastian Horn chia sẻ với tờ Neue Zürcher Zeitung vào tháng Tư rằng: “Chúng tôi ước tính Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ công lớn nhất cho các nước đang phát triển và mới nổi cho đến nay."
Trong bối cảnh ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, tháng Ba vừa qua, Thụy Sĩ đã trình bày chiến lược chính sách đối ngoại đầu tiên của mình với Trung Quốc, nêu bật “sự khác biệt về giá trị giữa hai nước." Các tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng trong tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Chuyên gia Kristina Lanz của Alliance Sud - một trong sáu tổ chức từ thiện chính của Thụy Sĩ liên quan đến hợp tác quốc tế - cho rằng viện trợ phát triển của Trung Quốc được “dẫn dắt” bởi các lý do chính trị và hiếm khi mang lại lợi ích cho người nghèo.
Lý do chỉ trích
Các nhà phê bình cho rằng chiếm một phần lớn trong hợp tác phát triển của Trung Quốc là khoản vay dành cho các nước châu Phi. Một số người cho rằng Trung Quốc khiến các nước lâm vào cảnh nợ nần để có quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng và ngân sách quốc gia của họ.
Bằng viện trợ hợp tác phát triển, Bắc Kinh bị cáo buộc là theo đuổi các lợi ích chính trị, địa chính trị và kinh tế của riêng mình.
Trung Quốc quan tâm nhiều đến nguyên liệu thô của châu Phi, không phân biệt giữa phát triển kinh tế và hợp tác phát triển. Trung Quốc thường hợp tác với các chính phủ và doanh nghiệp, chứ không phải với xã hội dân sự. Trung Quốc không kèm theo các điều kiện khi nói đến tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở các nước thụ hưởng.
Trung Quốc đầu tư chủ yếu vào cơ sở hạ tầng và sử dụng phần lớn công nhân xây dựng của nước này. Nếu người dân địa phương được tuyển dụng, điều kiện làm việc rất tồi tệ. Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng mà không quan tâm đến việc vận hành hoặc bảo trì tiếp theo. Do đó, chất lượng sản phẩm và công trình Trung Quốc không được đánh giá cao.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bern đã trả lời những quan điểm phê phán này như sau: "Là một nước đang phát triển có lịch sử đau khổ và nghèo đói, Trung Quốc trao quyền với các nước đang phát triển khác... Động cơ của chúng tôi là chân thành và không có gì phải che giấu."
Trong hợp tác thực tế, Trung Quốc đã tính đến tình hình thực tế của các nước nhận đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển và công nghệ công nghiệp của mình với các nước đang phát triển khác theo nhiều cách khác nhau.
Dự án thí điểm
Dự án thí điểm được đề cập trong Sách Trắng của Trung Quốc là một dự án hợp tác với Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) để chống lại bệnh bilharzia, một căn bệnh do giun ký sinh phổ biến ở Đông Nam Á.
Markus Dürst, cán bộ phụ trách khu vực châu Á của SDC, cho biết Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng về một dự án chung nhằm loại bỏ bilharzia ở khu vực sông Mekong vào năm 2017.
Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sĩ, Viện Quốc gia về Bệnh ký sinh trùng ở Thượng Hải và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tham gia vào dự án này.
Tuy nhiên, ông cho biết dự án đã không được khởi động vì một số lý do, mà nguyên nhân chính là sự thay đổi trong chính quyền Trung Quốc (Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc được thành lập năm 2018) và đại dịch COVID-19.
[Trung Quốc viện trợ vắcxin phòng COVID-19 cho các nước châu Phi]
Fritz Brugger từ Trung tâm Phát triển và Hợp tác tại Viện công nghệ liên bang ETH Zurich cũng xác nhận rằng những nỗ lực đã được thực hiện để thiết lập mối liên hệ giữa các cơ quan phát triển của Thụy Sĩ và Trung Quốc.
Theo bà Kristina Lanz từ Alliance Sud, miễn là các dự án cụ thể góp phần giảm đói nghèo và củng cố xã hội dân sự ở các quốc gia liên quan, tổ chức của bà sẽ không phản đối việc Thụy Sĩ hợp tác thực hiện các dự án viện trợ với Trung Quốc.
Bà nói: “Để phối hợp tốt hơn viện trợ từ tất cả các nước tài trợ, cần có sự tham gia của Trung Quốc nhiều hơn nữa."
Trung Quốc vẫn coi mình là một nước đang phát triển và mô tả công việc phát triển của họ là “hợp tác Nam-Nam," đề cập đến sự hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển. Không có gì lạ khi các nước châu Phi chào đón viện trợ của Trung Quốc hơn viện trợ của phương Tây bởi sự nhanh chóng và trên hết là không có ràng buộc nào.
Bà Lanz cho rằng việc Trung Quốc không đưa ra bất kỳ điều kiện nào rõ ràng là rất hấp dẫn đối với một số quốc gia. Ông Brugger cũng nhất trí rằng cách tiếp cận của Trung Quốc có những lợi thế đối với các nước hưởng lợi. Hợp tác với các chính phủ phương Tây đã trở nên khá “cồng kềnh” đối với các quốc gia châu Phi bởi đi kèm với quá nhiều điều kiện, và có thể mất nhiều thời gian để đàm phán.
Ông Brugger cũng nhấn mạnh Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào các nước thứ ba và là một trong những nhà tài trợ hào phóng nhất. Ông giải thích: “Trung Quốc có số tiền lớn để đầu tư vì dự trữ tiền tệ của nước này."
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bern cho biết: “Trung Quốc và các nước nhận đầu tư tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng với nhau. Khi thực hiện hợp tác phát triển quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn cân nhắc và tôn trọng quan điểm và nhu cầu của các nước tiếp nhận, không can thiệp vào con đường phát triển và công việc nội bộ của các nước khác, không áp đặt ý chí của mình lên người khác, không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào, và không mưu cầu tư lợi chính trị."
Trung Quốc cũng tham gia nhiều vào hoạt động viện trợ nhân đạo. Trung Quốc đã cung cấp cho các nước xung quanh châu Á và châu Phi loại vaccine do nước này sản xuất./.