Các tổ chức quốc tế liên tục cắt giảm tài trợ phòng chống HIV/AIDS

Hiện nay bệnh nhân điều trị ARV và Methadone phải đóng góp một phần chi phí điều trị, trong khi phần lớn những bệnh nhân này thuộc diện khó khăn, hạn chế khả năng chi trả cho các dịch vụ.
Các tổ chức quốc tế liên tục cắt giảm tài trợ phòng chống HIV/AIDS ảnh 1Bệnh nhân uống Methadone tại trung tâm phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Cùng với Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn là địa phương triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm biết tình trạng của mình, 90% người nhiễm được điều trị ARV và 90% người nhiễm điều trị ARV có tỷ lệ virus HIV dưới 1.000 phiên bản/ml) do Cục Phòng chống HIV/AIDS, Văn phòng PEPFAR và Dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS triển khai thực hiện trong hai năm 2016-2017.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2017 trong bối cảnh các tổ chức quốc tế liên tục cắt giảm, tiến tới chấm dứt hoàn toàn nguồn tài trợ, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Thành phố Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Còn nhiều khó khăn

Trong bối cảnh khó khăn về ngân sách chung (kinh phí tài trợ bị cắt giảm, ngân sách Nhà nước không đủ bù đắp), nguồn nhân lực bị thiếu hụt, hệ thống chăm sóc điều trị tại các cơ sở gần như quá tải nhưng đòi hỏi phải mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ điều trị có chất lượng cao cho bệnh nhân trên diện rộng (Methadone, ARV…), để thực hiện được mục tiêu này là một thách thức lớn cho thành phố.

Theo thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Vân, chuyên viên Phòng Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay bệnh nhân điều trị ARV và Methadone phải đóng góp một phần chi phí điều trị, trong khi phần lớn những bệnh nhân này thuộc diện khó khăn, hạn chế khả năng chi trả cho các dịch vụ.

"Thời gian tới, nếu không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân sẽ phải chi trả 100%, điều này sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như: người nhiễm HIV có nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS và dẫn đến tử vong, tăng chi phí y tế, chi phí điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, chi phí nằm viện... đồng thời có thể tạo ra những chủng HIV kháng thuốc cực kỳ nguy hiểm cho xã hội vì các thuốc ARV hiện hành không còn tác dụng, phải mua thuốc ARV cho phác đồ kháng thuốc có giá thành cao gấp nhiều lần,” thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Vân cho biết.

Nhìn nhận thực tế công tác phòng chống HIV/AIDS của thành phố hiện nay, bác sỹ Văn Hùng, Trưởng phòng Chăm sóc, điều trị (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2017 không hề dễ dàng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có trên 51.000 người đang sống với HIV, nhưng chỉ có khoảng 41.000 người được phát hiện, 27.500 người trong số đó đang điều trị thuốc kháng virus ARV.

“Mặc dù ước đến năm 2017, số người nhiễm HIV toàn thành phố giảm còn 50.000 người nhưng để thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2017 thì số người nhiễm cần phát hiện vẫn còn khoảng 4.300, số người nhiễm cần được đưa vào điều trị ARV là 14.038 và số người nhiễm điều trị ARV có tỷ lệ virus HIV dưới 1.000 phiên bản/ml máu là trên 37.000. Đây là một thách thức rất lớn đối với Thành phố trong bối cảnh hiện nay,” bác sỹ Văn Hùng cho biết thêm.

Trông chờ bảo hiểm y tế

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS 2011-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận cho biết: "Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế dành cho phòng chống HIV/AIDS dần hạn hẹp, trong giai đoạn tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải tập trung thực hiện các giải pháp đa dạng hóa nguồn lực, huy động kinh phí từ xã hội; trong đó, sẽ kiến nghị trung ương lồng ghép các hoạt động phòng chống HIV/AIDS vào bảo hiểm y tế… để chi trả cho một số dịch vụ quan trọng như điều trị ARV và các bệnh cơ hội khác."

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho rằng để hoàn thành mục tiêu 90-90-90, kéo giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS, bên cạnh các chính sách đẩy mạnh việc xét nghiệm HIV tại các bệnh viện, tạo điều kiện thực hiện mở rộng xét nghiệm thì cần có chủ trương đảm bảo nguồn thuốc ARV để người dân có thể tiếp cận sau khi có kết quả HIV dương tính (thị trường thuốc cho người tự mua, chủng loại thuốc…); đẩy nhanh việc hỗ trợ điều trị ARV qua bảo hiểm y tế để các bệnh viện có thể thực hiện điều trị.

Dự kiến từ 1/6/2016, bảo hiểm y tế sẽ bắt đầu chi trả thuốc ARV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Do đó nếu người nhiễm HIV không có thẻ bảo hiểm y tế có thể không được tiếp tục tiếp cận hoặc duy trì điều trị bằng thuốc ARV. Trong khi đó, hiện mới chỉ có khoảng 30% người nhiễm HIV trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thẻ bảo hiểm y tế.

Dự kiến, khi triển khai chi trả thuốc ARV qua bảo hiểm y tế, số người nhiễm HIV mua bảo hiểm y tế sẽ tăng lên 80%.

Theo các chuyên gia, để giảm các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến HIV và khám chữa các bệnh khác, tránh việc người bệnh rơi vào cảnh đói nghèo, việc vận động 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế là rất cần thiết.

Ngoài việc tăng cường vận động, tuyên truyền của các cơ quan chức năng, mỗi người dân, nhất là những người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS cần vượt qua khó khăn về rào cản kinh tế, bệnh tật, chủ động tham gia bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe, kéo dài tuổi thọ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục