Ngày 24/4, 11 tổ chức môi trường tuyên bố kiện nhà nước Hà Lan với cáo buộc không có biện pháp để bảo vệ đất nước trước tác hại của tình trạng ô nhiễm "hóa chất vĩnh cửu."
"Hóa chất vĩnh cửu" là các hợp chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), có tác dụng chống nước, chống dính, chống dầu mỡ và chống bám bẩn.
Chúng xuất hiện trong vô số sản phẩm thường dùng từ nồi chảo, thiết bị y tế, mỹ phẩm cho đến hộp bánh pizza.
"Dấu vết" của PFAS đã được phát hiện trong nước, không khí, đất và thậm chí trong loài cá. Tiếp xúc với PFAS có nguy cơ cao mắc các bệnh như ung thư thận và tinh hoàn, bệnh tuyến giáp và cholesterol.
Các hóa chất này được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì chúng tích tụ trong cơ thể con người theo thời gian thay vì phân hủy.
Công ty luật Knoops' Advocaten cho biết đã đại diện cho 11 tổ chức lợi ích khác nhau để đệ đơn kiện nhà nước Hà Lan "liên quan đến tác hại của tình trạng ô nhiễm PFAS lan rộng" ở quốc gia Tây Âu này.
Các nguyên đơn cho rằng chính phủ "hoàn toàn phớt lờ nghĩa vụ chăm sóc bảo vệ công dân, động vật và môi trường Hà Lan khỏi tác hại của ô nhiễm PFAS" mặc dù biết về những nguy hiểm.
Bên nguyên đơn yêu cầu chính phủ chịu trách nhiệm cho tình trạng ô nhiễm PFAS và tiến hành cuộc điều tra y tế quốc gia.
Theo đài truyền hình công cộng NOS, chính phủ Hà Lan có 3 tháng để đáp ứng các yêu cầu. Sau đó, vụ kiện sẽ bắt đầu và dự kiến diễn ra tại tòa án khu vực ở La Haye vào ngày 7/8 tới./.
Những điều cần biết về "hóa chất vĩnh cửu"
Các nhà khoa học công bố nghiên cứu phát hiện nồng độ nguy hiểm của “hóa chất vĩnh cửu” trên bề mặt nước và nước ngầm trên toàn thế giới, trong đó Australia, Mỹ và châu Âu là những điểm nóng ô nhiễm.