Trước diễn biến của cơn bão số 2 (bão Rammasun), ngày 17/7, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển Bắc Bộ đến Trung Trung Bộ đã khẩn trương triển khai các biện di dời dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Tại Quảng Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành 2 công điện khẩn, yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay các phương án phòng chống bão.
Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã liên lạc được với 222/229 tàu đánh cá xa bờ để thông tin về tình hình của bão và các tàu này đang về nơi neo đậu; 7 tàu còn lại đang được Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các địa phương tiếp tục liên lạc; 8.471 phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ từ 20 CV đến dưới 90 CV đang hoạt động gần bờ đã được thông tin về nơi trú bão.
Toàn bộ tàu du lịch sẽ di dời tránh trú bão khi có lệnh cấm biển vào chiều 17/7. Việc kêu gọi tàu thuyền về tránh trú bão, các phương án phòng chống bão đang được khẩn trương triển khai, về cơ bản toàn bộ tàu thuyền đã nhận được thông tin về cơn bão và đang trên đường di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Tại Nam Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đoàn Hồng Phong đã có công điện số 04/CĐ-UBND gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc, thủ trưởng các sở ban ngành, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp để phòng chống bão.
Theo đó, Nam Định sẽ cấm mọi tàu thuyền ra khơi từ 13 giờ ngày 17/7; khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn xong trước 16 giờ ngày 17/7 đồng thời tập trung sơ tán người canh coi trên tàu thuyền, tại các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản tại các cửa sông, bãi ven biển, di dời dân từ các khu nhà yếu, các khu du lịch ven biển xong trước 16 giờ ngày 18/7; tập trung chỉ đạo tiêu rút nước đệm xong trước 16 giờ ngày 18/7; củng cố vùng bờ bao, kiểm tra máy móc, thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm để chủ động phòng chống ngập úng khi mưa lớn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, tính đến 6 giờ sáng nay 100% số tàu (1.942 tàu thuyền với 4.919 lao động) đã được thông báo, trong đó 1.550 tàu đã vào nơi neo đậu an toàn. Hiện còn 24 phương tiện với 241 ngư dân đánh bắt hải sản tại vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình đang trên đường về Nam Định; 392 tàu với 1.078 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Nam Định. Đến nay, tổng số 732 lều với 881 người canh coi ngoài bãi đã được thông báo sơ tán tránh bão.
Tại Quảng Nam, Thượng tá Nguyễn Trường Quy - Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết để chủ động ứng phó với bão số 2 có cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, đơn vị đã sớm triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để hướng dẫn ngư dân đang hành nghề trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn.
Hiện tại, huyện Núi Thành (địa phương có số lượng tàu thuyền và lao động trên biển nhiều nhất tỉnh Quảng Nam) còn 129 phương tiện với tổng số 1.038 lao động đang hành nghề trên biển.
Qua phân loại lao động và phương tiện, ở ngư trường tuyến khơi chủ yếu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa có 35 phương tiện với 888 lao động hành nghề câu mực và lưới vây, tuyến lộng có 42 phương tiện với 382 lao động và ngư trường gần bờ có 62 phương tiện với 288 lao động.
Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chậm nhất chiều 17/7 các tàu, thuyền phải về nơi trú ẩn./.