Các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre đề phòng có gió giật mạnh

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay (12/12), vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió giật mạnh cấp 6-8.
Các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre đề phòng có gió giật mạnh ảnh 1Ngư dân neo đậu chằng chéo tàu thuyền tại cảng cá Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 12/12, áp thấp nhiệt đới đang cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận-Bến Tre khoảng 230km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh nhất cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Sóc Trăng, bao gồm cả đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m. Biển động mạnh.

Từ đêm nay (12/12), vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió giật mạnh cấp 6-8.

Trên đất liền, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc vào đêm 14/12, trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ C, vùng núi 12-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C.

Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ ngày 14-17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa trên 200mm, riêng Quảng Nam đến Phú Yên có mưa to đến rất to (300-400 mm/đợt).

Ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ nay đến hết ngày 13/12 ở Quảng Ngãi đến Bình Thuận 50-150mm, khu vực Nam Bộ 50-100mm.

Trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tình trạng ngập lụt xảy ra tại tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, đặc biệt tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định), Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên), An Khê, Ayunpa (Gia Lai).

Khu vực Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, trong cơn dông nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh, vùng ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường dâng cao gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp.

Đêm 12 và ngày 13/12, phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời rét. Độ ẩm từ 55-98%. Nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C, có nơi dưới 12 độ C; cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.

Khu vực Hà Nội nhiều mây, không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Độ ẩm từ 60-98%. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, cao nhất 26-29 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Đêm và sáng sớm lạnh. Độ ẩm từ 58-98%. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 17 độ C, cao nhất 26-29 độ C.

Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, có mưa vài nơi, riêng Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Phía Bắc đêm và sáng sớm trời lạnh. Độ ẩm từ 75-99%. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, phía Nam 19-22 độ C; cao nhất 26-29 độ C, phía nam 23-26 độ C.

Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Tỉnh Bình Thuận có gió giật mạnh cấp 6-8. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Độ ẩm từ 80-100%. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 25-28 độ C.

Tây Nguyên nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 80-100%. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, cao nhất 23-26 độ C.

Nam Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Vùng ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Bến Tre có gió giật mạnh cấp 6-8. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Độ ẩm từ 80-100%. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 25-28 độ C.

Trước tình hình trên, chiều 12/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc về việc chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ. Theo đó, tỉnh Bình Thuận nghiêm cấm tàu thuyền của huyện đảo Phú Quý ra khơi hoạt động đánh bắt từ 19 giờ ngày 12/12; bằng mọi phương tiện kêu gọi các tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.

Để chủ động đối phó với mưa, lũ và diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ, đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền hoạt động trên biển; đặc biệt là đảm bảo an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, khu vực bãi xỉ tại Tuy Phong, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo kịp thời cho nhân dân để chủ động phòng tránh. Các địa phương cũng tiến hành rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân khi xảy ra mưa, lũ lớn kết hợp xả lũ công trình hồ chứa thủy lợi gây ngập lụt trên diện rộng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết có trách nhiệm quản lý, kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn.

Đối với địa phương vùng biển, các đơn vị chức năng cần chỉ đạo, phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động tìm nơi trú ẩn, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh cử người trực ban theo dõi tình hình mưa, lũ, lượng nước về hồ để tích nước và điều tiết hợp lý. Trong trường hợp cần phải xả lũ qua tràn để bảo đảm an toàn công trình phải thông báo ngay cho các cấp chính quyền địa phương và nhân dân khu vực hạ lưu biết chủ động phòng tránh, di dời người và tài sản kịp thời, tránh gây thiệt hại cho người dân.

Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng theo kế hoạch đã được phân công, sẵn sàng tham gia ứng phó, di dời, sơ tán người dân, tài sản khi có yêu cầu hoặc lệnh điều động ứng cứu. /. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục