Nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá bán nhiều loại hàng hóa trong dịp Tết.
Đây là ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương về tình hình hàng hóa các tỉnh, thành phía Nam trong những tháng cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán sắp tới.
Hàng hóa dồi dào
Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình cung ứng hàng hóa vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến ngày 27/12, đã có 203/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 91% (tăng 1 chợ so với ngày 24/12.) Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị. Số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Đối với 3 Chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, từ ngày 20/12, cả 3 chợ này đã mở cửa hoạt động trở lại sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch, người vào chợ không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19. Các chợ đầu mối hoạt động là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh.
[Doanh nghiệp khởi động mùa kinh doanh hàng Tết 2022]
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 26/12 và sáng 27/12 tăng 4,4% so với trước, ước đạt 10.778,9 tấn/ngày. Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 26/12 ước đạt 2.060 tấn/ngày.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).
Còn tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 27/12 tăng 3,6% so với ngày 26/12, ước đạt 5.121 tấn/đêm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ-Giám Đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết để chuẩn bị cho mùa cao điểm như mùa Tết, từ tháng 3 hằng năm, Sở Công Thương thành phố đã xây dựng kế hoạch, liên kết với các tỉnh, thành phố để tạo ra một mạng lưới cung cầu.
“Hằng năm, sở tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa các nhà cung ứng, đơn vị sản xuất và nhà phân phối để đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết,” ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin thêm.
Tính đến thời điểm này, dự trữ lượng trứng của Công ty Ba Huân đạt khoảng 90%. Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ; 4.200 tấn hàng thực phẩm chế biến, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lượng hàng hóa Sài Gòn Co.op chuẩn bị trước, trong và sau Tết là khoảng 6.000 tỷ đồng…
Ngoài việc không thiếu hàng, các doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ những hàng đặc sản đặc biệt của các tỉnh, thành phố.
“Bà con không lo hàng bán bị tăng giá vào dịp Tết, mặc dù trong bối cảnh cuối năm vừa qua, thị trường cũng có điều chỉnh lên nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về mặt nguồn hàng của Sài Gòn Co.op thì hàng hóa tại doanh nghiệp không lo tăng giá,” ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op khẳng định.
Còn tại thành phố Cần Thơ, theo đại diện Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố trong ngày nhìn chung ổn định; nguồn cung hàng hóa đa dạng, số lượng đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; không xảy ra hiện tượng tranh mua hàng hóa với số lượng lớn để dự trữ.
Trong khi đó, tại tỉnh An Giang, hiện nguồn hàng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích khá dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân. Giá cả hàng hóa duy trì ổn định, ít biến động. Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu của mua sắm người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương An Giang đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022, được thực hiện từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 7/2/2022 (nhằm ngày 27/10 năm Tân Sửu đến hết ngày mùng 7/1 năm Nhâm Dần).
Đến nay, có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường với 451 điểm bán hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Dự kiến, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước.
Ưu tiên tối đa nguồn cung ôxy phục vụ điều trị COVID
Để góp phần kết nối hàng hóa giữa các địa phương, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong giai đoạn vừa qua, thương mại điện tử đã có những đóng góp hết sức thiết thực trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và nông sản các tỉnh, địa phương ngay trong bối cảnh dịch bệnh.
Bà Huyền khẳng định Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương cũng như các sàn thương mại điện tử đã ký kết hợp tác triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm địa phương.
Cùng với đó, các đơn vị cũng xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối trên các sàn thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến” để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương mở rộng kênh phân phối trên toàn quốc và tổ chức các Chương trình đào tạo và kết nối thương mại điện tử với các Sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Liên quan tới việc cung ứng ôxy y tế phục vụ điều trị người bệnh COVID-19, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã có văn bản số 1025/HC-CNHC ngày 17/12 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị trao đổi, phối hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khí ôxy trên đia bàn để điều phối linh hoạt hoạt động sản xuất ôxy cung ứng cho lĩnh vực công nghiệp và y tế.
Tại buổi làm việc trực tuyến với Sở Công Thương, Sở Y tế của các địa phương khu vực Tây Nguyên, Đông Tây Nam Bộ với đại diện Hiệp hội thép Việt Nam, cùng các doanh nghiệp cung cấp ôxy, sản xuất thép mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất ôxy cân đối dành ưu tiên cho việc cung ứng ôxy cho ngành y tế, phục vụ cho nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Cục công nghiệp cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thép chung tay điều tiết sản lượng, tiết kiệm ôxy nhằm tăng cường ôxy cho nhu cầu khám, chữa bệnh đang tăng cao./.