Các tỉnh, thành phía Nam chủ động ứng phó với cơn bão số 9

Các địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đắk Lắk, Bến Tre, Tiền Giang... đã cơ bản hoàn thành việc di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 9.
Các tỉnh, thành phía Nam chủ động ứng phó với cơn bão số 9 ảnh 1Các chiến sỹ sử dụng bao cát để gia cố chân đê biển Gò Công. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Cho đến thời điểm hiện tại, các địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đắk Lắk, Bến Tre, Tiền Giang... đã cơ bản hoàn thành việc di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, chằng chống nhà cửa... đảm bảo giảm thiểu thiệt hại do bão số 9 gây ra.

Tính đến 16 giờ ngày 24/11, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đã di dời người dân đến các nơi tránh trú an toàn; công tác chằng chống nhà cửa của người dân được đảm bảo.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ cho biết công tác di dời các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp đến các địa điểm kiên cố an toàn được thực hiện khẩn trương, theo phương án di dời dân tại chỗ (kể cả xã đảo Thạnh An).

Ủy ban Nhân dân huyện vẫn tiếp tục cho lực lượng kiểm tra, rà soát để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản. Số lượng di dời tăng hơn nhiều so với dự kiến ban đầu (dự kiến hơn 4.100 người), do nhiều một số hộ dân trong vùng an toàn cũng chủ động di dời đến các nơi tránh trú.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông báo ngừng hoạt động các tuyến phà trên địa bàn từ 19 giờ, trong đó, phà Bình Khánh là tuyến kết nối duy nhất giữa huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố (ngoài ra còn một tuyến phà nối Cần Giờ với huyện Cần Giuộc-Long An) nên Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ đã yêu cầu tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu di chuyển cho người dân, đồng thời đã thông báo cho người dân, du khách sắp xếp thời gian qua phà Bình Khánh trước thời điểm trên.

Nhiều du khách lưu trú tại huyện Cần Giờ đã nhanh chóng di chuyển về trung tâm thành phố chiều 24/11.

Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, trong trường hợp cần thiết, phà vẫn hoạt động để đáp ứng công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; tùy vào tình hình diễn biến của thời tiết sẽ ấn định thời gian hoạt động phà Bình Khánh trở lại.

Hiện địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, rau xanh để phục vụ bà con trên địa bàn trong thời gian mưa bão.

Qua thống kê, rà soát trên địa bàn huyện Cần Giờ có 407 điểm kinh doanh lương thực, thực phẩm (103,5 tấn gạo; 3.404 thùng mì và 2.816 thùng nước uống); 17 lò bánh mỳ và 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu với lượng dự trữ bình quân là 270.000 lít nhiên liệu, đảm bảo ứng phó từ 4-10 ngày.

Trong chiều 24/11, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã điều 70 cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện, trang thiết bị xuống huyện Cần Giờ để sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; Bộ đội Biên phòng Thành phố cũng đã bố trí lực lượng và các phương tiện sẵn sàng cho công tác ứng phó với bão số 9...

[Các địa phương phía Nam sẵn sàng ứng phó với bão số 9]

Trước đó, huyện Cần Giờ cũng đã cấm biển từ chiều 23/11; kêu gọi tàu thuyền và hướng dẫn các chủ phương tiện neo đậu, trú bão đúng theo yêu cầu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Krông Pắk, Krông Năng, Ea Kar, Ea H’leo từ ngày 24 đến ngày 26/11 khẩn trương rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với bão, lũ, mưa lớn; chủ động phương án sơ tán dân vùng trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; có phương án bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.

Tỉnh đã thành lập và triển khai các tổ đội xung kích phòng chống thiên tai tại các thôn, buôn, xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt; chủ động rà soát khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng mưa, lũ để kịp thời ứng phó có hiệu quả ngay từ đầu; kiểm tra các vị trí có thể xảy ra thiên tai nguy hiểm kịp thời cảnh báo đến người dân trong vùng; tổ chức phương án bảo đảm giao thông an toàn trong vùng lũ, ngập lụt.

Địa phương nhanh chóng tuyên truyền, vận động đưa hàng trăm hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Năng sinh sống gần các dòng suối dễ bị lũ quét, lũ cuốn lên các vùng cao.

Tỉnh cũng tổ chức trực ban phòng chống thiên tai nghiêm túc; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết; triển khai ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện báo cáo tình hình thiên tai tại địa phương theo quy định.

Các chủ hồ, đập thủy lợi đã thành lập phương án phòng chống lụt bão cho các công trình.

Các tỉnh, thành phía Nam chủ động ứng phó với cơn bão số 9 ảnh 2Các chiến sỹ được huy động gia cố đoạn đê biển xung yếu. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Đối với các hồ chức có tràn điều tiết bằng cửa van tiến hành kiểm tra, nhất là 55 công trình có nguy cơ mất an toàn để có những giải pháp dự phòng khi xảy ra các tình huống xấu.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phường tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra để hạn chế thiệt hại về người và tài sản ở vùng hạ du.

Tỉnh cũng hướng dẫn nông dân tranh thủ thu hoạch số diện tích càphê đã chín gần sông, suối để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Các đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống thiên tai xảy ra

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu tỉnh Bến Tre, hiện các huyện, thành phố trên đia bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng; trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng to, gió lớn, ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở, các cồn... và người dân sống trong nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn.

Theo dự kiến, số lượng người cần di dời tại 3 huyện ven biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre gồm Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú là khoảng 16.000 người ( di dời tại chỗ 15.000 người, sơ tán 1.000 người).

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 1.214 phương tiện/4.027 người đang neo đậu. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên các trường học trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho học sinh nghỉ học kể từ 13 giờ ngày 24/11/2018 cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 24/11, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 9 tại huyện Bình Đại, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các xã liên quan không cho tàu ra khơi, bố trí cho các tàu đánh bắt neo đậu an toàn; tăng cường tuần tra ven biển không cho các phương tiện ra khơi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đề nghị huyện Bình Đại huy động lực lượng công an, quân sự, biên phòng, thanh niên túc trực chủ động bảo vệ an toàn cho nhân dân; kiểm tra chặt chẽ các bến đò khách ngang sông, bến phà; tăng cường công tác tuyên truyền thường xyên đến nhân dân nắm diễn biến của bão, vận động hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa ứng phó mưa bão.

Các tỉnh, thành phía Nam chủ động ứng phó với cơn bão số 9 ảnh 3Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (giữa) thị sát, chỉ đạo phòng chống cơn bão số 9 khu vực đê biển Gò Công. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Tỉnh Tiền Giang đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn. Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.

Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, địa phương đã di dời bước 1 toàn bộ dân sống ngoài đê, ở những nơi không an toàn vào các nơi tránh trú an toàn đồng thời cân nhắc thực hiện các bước tiếp theo khi có trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, tỉnh kiểm tra và tuyệt đối yêu cầu người dân hành nghề đáy sông cầu, người giữ các chòi canh nuôi trồng thủy sản khẩn trương vào nơi an toàn. Mặt khác, các ngành chức năng còn tổ chức bắn pháo hiệu theo diễn biến bảo để ngư dân biết và chủ động đối phó.

Đối với tuyến đê biển xung yếu Gò Công, Tiền Giang đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang tổ chức gia cố đê bằng bao cát nhằm bảo đảm khả năng chống chịu khi có thiên tai xảy ra.

Nhân dân khu vực ven biển cũng đã khẩn trương chằng chống nhà cửa, rà soát đảm bảo an toàn các bến bãi, bến phà, đò ngang, kiểm tra cơ sở vật chất những nơi dự kiến sơ tán dân đến trong trường hợp khẩn cấp.

Chiều 24/11, trên địa bàn các huyện ven biển Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông... trời nhiều mây, có mưa nhỏ rải rác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục