Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi làm tổ trưởng đã làm việc với 19 tỉnh, thành phố phía Nam về việc triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và công tác phòng chống dịch tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm điều dưỡng người có công.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tổ công tác tiếp tục đôn đốc các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khẩn trương triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; yêu cầu các địa phương hoàn hành việc chi hỗ trợ trong tháng 7/2021. Theo đó, tất cả các địa phương đều cam kết thực hiện đúng theo mốc thời gian này.
Ưu tiên chính sách cho lao động tự do
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, 19/19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Các tỉnh, thành phố phía Nam rất quan tâm chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, nhất là người bán vé số và chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây cũng là hai chính sách đang được giải quyết nhanh nhất.
Tổ công tác đã làm việc cụ thể với ba địa phương gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đôn đốc triển khai cho các nhóm đối tượng còn lại theo kế hoạch đã được phê duyệt; tập trung xử lý tình hình tại cơ sở cai nghiện Bố Lá đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình phòng chống dịch tại các cơ sở cai nghiện khác và các cơ sở trợ giúp xã hội do sở quản lý.
Đến thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh đã cử 21 y, bác sỹ đến cơ sở cai nghiện Bố Lá để lập bệnh viện dã chiến, cơ quan công an cũng đã bổ sung lực lượng để bảo vệ vòng ngoài nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.
Còn tại Đồng Tháp, tỉnh đã hỗ trợ cho 93.744 nhân khẩu của 27.000 hộ nghèo và cận nghèo, với hơn 1.202 tấn gạo, tương ứng hơn 18 tỷ đồng, đạt 83% hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ cho 1.785 trong số hơn 10.000 người bán vé số, với 2,67 tỷ đồng. Do là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất tại khu vực Tây Nam Bộ, nên Sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Tháp đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện.
Thành phố Cần Thơ cũng đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 2.041 người bán vé số, với gần 2,45/6,81 tỷ đồng dự kiến chi; duyệt hỗ trợ 34 viên chức là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4, số tiền dự kiến 126,14 triệu đồng; 14 hướng dẫn viên du lịch, số tiền dự kiến 51,94 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội thành phố đã xác định có 3.554 người sử dụng lao động và 100.306 người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dự kiến tổng kinh phí trong 12 tháng là trên 32,8 tỷ đồng.
[Bộ Lao động đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện Nghị quyết 68]
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long chưa ký quyết định ban hành hỗ trợ đối với lao động tự do. Tuy nhiên, theo báo cáo của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Vĩnh Long, dự kiến việc chi hỗ trợ sẽ bắt đầu từ hôm nay, 23/7, ưu tiên chi trước cho đối tượng là người bán vé số với trên 6.000 người trong tổng số khoảng 9.000 đối tượng đã thống kê.
Phân loại để giảm áp lực cho các địa phương
Từ thực thế làm việc với các địa phương, tổ công tác cho rằng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nên phân loại các địa phương thành 3 nhóm. Nhóm một là các địa phương ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19 và đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Nhóm 2 là các địa phương bị ảnh hưởng cục bộ tại một số địa bàn. Nhóm 3 là các địa phương bị ảnh hưởng không đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Theo tổ công tác, việc phân loại này sẽ làm cơ sở cho việc chỉ đạo, đôn đốc, giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, không đánh đồng việc tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ, tạo áp lực cho các địa phương và tránh trục lợi chính sách.
Về công tác phòng chống dịch tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội và trung tâm điều dưỡng người có công, tổ công tác đã trao đổi, thảo luận với 19 tỉnh, thành phố về các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tại các cơ sở xã hội. Các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Hậu Giang, Cà Mau, Trà Vinh... thực hiện tốt việc quản lý phòng chống dịch; phân công luân phiên ca trực cho cán bộ, viên chức, người lao động theo thời gian luân phiên 14 ngày/ca (với 50% nhân sự/ca); xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên trước khi trực ca.
Ngoài ra, các cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để đảm bảo an ninh, trật tự; hạn chế tiếp nhận mới đối tượng, trường hợp tiếp nhận khẩn cấp đối tượng thì xét nghiệm nhanh COVID-19 và cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Để thực hiện có hiệu quả các công việc tại các tỉnh phía Nam, tổ công tác kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch tại các cơ sở điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là tại các cơ sở cai nghiện.
Tổ công tác cũng kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét tăng cường lực lượng y tế từ nguồn của Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho bệnh viện dã chiến tại cơ sở cai nghiện Bố Lá nếu Thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu./.