Nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2024, nhiều địa phương phía Nam đã đề nghị các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện và giải ngân cho các dự án, cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án.
Bên cạnh đó, có những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, từng bước đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tích cực giải ngân, khắc phục khó khăn
Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang cho biết kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Tiền Giang là 4.974 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương hơn 3.573 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hơn 1.400 tỷ đồng.
Đến nay, giá trị giải ngân đến nay đạt hơn 45% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ; trong đó giải ngân vốn Trung ương đạt hơn 63%. Theo đó, tỉnh Tiền Giang là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tiền Giang Trần Minh Trung, các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh thời gian qua tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao làm chủ đầu tư, tổng nguồn vốn là 490 tỷ đồng. Nhờ tập trung kiểm tra đôn đốc tiến độ các dự án, đến nay tỷ lệ giải ngân đạt kết quả rất cao là 87,7%.
Các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai như: đường tỉnh 864, đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông, cầu Tân Phong… đều đảm bảo tiến độ. Đơn vị đang tiếp tục đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh bổ sung vốn đầu tư công năm 2024 cho Ban, chủ yếu để thực hiện Dự án Đường tỉnh 864.
Tại tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 5/2024, nguồn vốn đã giải ngân tại các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.200 tỷ đồng, chiếm hơn 19% kế hoạch năm. Riêng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh vừa giải ngân được thêm khoảng 3.400 tỷ đồng, tổng nguồn vốn giải ngân cho dự hai dự án là 84% kế hoạch.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công là hơn 15.000 tỷ đồng; trong đó, số vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm đạt gần 5.000 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng số vốn đầu tư công của tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án trọng điểm tại Đồng Nai thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do ách tắc trong giải phóng mặt bằng, thiếu đất tái định cư. Điều này khiến giải ngân vốn đầu tư công cho dự án trọng điểm không đạt mục tiêu đề ra.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị xác định việc triển khai dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Cơ quan chuyên môn làm công tác thẩm định phải nỗ lực rút ngắn tối đa thời gian thẩm định hồ sơ; đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, cản trở tiến độ giao, giải ngân vốn; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công…
Xác định là năm tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, tỉnh Bình Dương phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được giao. Do đó, từ đầu năm nay, các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ và huy động tối đa nguồn lực cho công tác đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nội dung cam kết đã ký với Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án tỉnh Bình Dương nâng cao năng lực tổ chức thực hiện dự án, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, phân công trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức có liên quan; nâng cao chất lượng hoạt động đấu thầu, đảm bảo công khai, chặt chẽ và minh bạch, lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, uy tín, phù hợp với đặc thù của từng dự án.
Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện và giải ngân cho các dự án, cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án theo kế hoạch vốn đề ra. Đồng thời, thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong nội bộ chủ đầu tư và giữa các chủ đầu tư. Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục kiểm soát thời gian thực hiện các gói thầu thi công…
Đối với các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai mở "chiến dịch" tăng tốc 30 ngày đêm cho công tác giải phóng mặt bằng từ 20/4-20/5. Tuy nhiên, kết quả sau đó đem lại không như mong đợi nên đã gia hạn thời gian đến 30/6.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các địa phương nỗ lực hơn nữa, ưu tiên phát triển những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng, đẩy nhanh hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Võ Tấn Đức cho biết đến cuối tháng 6/2024, khi dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân thì tỉnh Đồng Nai sẽ giải ngân được thêm khoảng 3.400 tỷ đồng vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng. Lúc đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Đồng Nai sẽ đạt 84% kế hoạch. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm cũng sẽ tăng từ hơn 19% lên khoảng 65% kế hoạch vào tháng 7/2024.
Tại tỉnh Bình Dương, Dự án đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên-sông Sài Gòn hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bàn giao ranh giải phóng mặt bằng và sớm hoàn chỉnh thẩm định hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đối với các đoạn còn lại. Đồng thời, sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng, các đơn vị liên quan khẩn trương cắm mốc và bàn giao hồ sơ thiết kế đoạn còn lại, ranh mốc ngoài thực địa cho Ban và đơn vị liên quan để triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các thủ tục tiếp theo của dự án.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị các địa phương có phương án huy động tất cả các nguồn lực để thực hiện tốt nhất công tác đầu tư công; bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án trọng điểm của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công; các địa phương quyết liệt chỉ đạo, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tham mưu giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho việc giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, cần làm tốt việc thẩm định các dự án để đạt hiệu quả khi triển khai thực hiện; tăng cường công tác xã hội hoá trong công tác đầu tư công một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi công các dự án trọng điểm để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng như dự án Bệnh viện 1.500 giường, Chiến khu D và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng./.
Giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc nhưng chưa như kỳ vọng
Bên cạnh một số bộ, cơ quan TW, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan TW và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước.