Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 14/3, khối áp cao cận nhiệt đới đang hoạt động mạnh thêm và có xu hướng mở rộng sang phía đất liền của Việt Nam.
Khí nóng thổi từ trên xuống ngăn cản quá trình mây phát triển khiến Nam Bộ tiếp tục nắng nóng, đặc biệt Đông Nam Bộ vừa khô vừa nóng với nhiệt độ 35-37 độ C.
Các bác sỹ khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, người dân cần thiết uống đủ nước, ăn thêm hoa quả, tập thể dục thường xuyên, xịt mũi phun sương bằng nước muối sinh lý giúp làm ẩm mũi, loại bỏ các vẩy mũi chứa nhiều khói bụi, giúp cho mũi được sạch sẽ, thông thoáng.
Việc súc họng bằng nước muối sinh lý cũng giúp giảm cảm giác khô vướng họng, hơi thở hôi và góp phần làm giảm viêm đường hô hấp trên do thời tiết nắng nóng.
[Từ cuối tháng 3, các đợt xâm nhập mặn ở Nam Bộ tăng cao]
Ở miền Bắc tiếp tục trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn kèm sương mù về đêm và sáng, trời âm u, độ ẩm trung bình cao trên 80%.
Trung Bộ cả về nhiệt và độ ẩm đều ở mức vừa phải. Tây Nguyên có thời tiết khô với độ ẩm phổ biến trong khoảng 40-60% nhưng do địa hình cao nên trời không quá nóng.
Dự báo chi tiết các khu vực ngày 14/3:
Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, khu Tây Bắc trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, có nơi dưới 20 độ C; cao nhất 25-28 độ C, khu Tây Bắc 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ; riêng vùng núi có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Nam cấp 2-3. Đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, vùng núi có nơi dưới 20 độ C; cao nhất 24-27 độ C.
Khu vực Hà Nội nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ. Gió Đông Nam cấp 2-3. Đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, cao nhất 24-27 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, có nơi trên 23 độ C; cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; cao nhất 29-32 độ C, phía Nam có nơi trên 32 độ C.
Tây Nguyên có mây, đêm không mưa, ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Nam Bộ có mây, đêm không mưa, ngày nắng, miền Đông có nắng nóng, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 32-35 độ C, riêng miền Đông 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Trên biển, Vịnh Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng có sương mù. Tầm nhìn xa giảm xuống dưới 1km trong sương mù. Gió Đông đến Đông Nam cấp 3-4. Bắc Biển Đông có mưa vài nơi. Tầm nhìn xa trên 10km. Gió Đông Bắc cấp 4-5, riêng phía Đông Bắc có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động.
Vùng giữa và Nam Biển Đông, quần đảo Trường Sa có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Tầm nhìn xa trên 10km, giảm xuống 4-10km trong mưa. Gió Đông Bắc cấp 4-5.
Chủ động phòng chống xâm nhập mặn
Theo cơ quan khí tượng, xu thế xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, cửa sông Cửu Long tăng cao từ ngày 14 -16/3, sau đó giảm dần; riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn có xu thế tăng cao từ ngày 16- 20/3.
Xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, cửa sông Cửu Long xu thế tăng cao từ ngày 14-16/3, sau đó giảm dần; riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn có xu thế tăng cao từ ngày 16-20/3.
Độ mặn cao nhất tại các trạm trong thời kỳ này phổ biến ở mức thấp hơn so với độ mặn cao nhất tuần từ ngày 1-10/3.
Trong đợt mặn từ ngày 14-16/3, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.
Các địa phương chủ động những biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 1.
Theo các chuyên gia dự báo, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ từ ngày 27/3 đến 2/4; các sông Vàm Cỏ (từ ngày 9-14/4 và từ 24-30/4), trên sông Cái Lớn (từ ngày 31/3 đến 7/4 và từ 15-24/4), sau giảm dần.
Ngoài ra, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn./.