Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó với hoàn lưu bão số 13

Các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13 với mưa lớn và gió giật mạnh cấp 14.
Lực lượng quân đội phối hợp với chính quyền địa phương xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) di chuyển người dân để tránh bão số 13. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng đến Thừa Thiên-Huế khoảng 300km, cách Quảng Trị khoảng 420km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo từ 10 giờ ngày 14/11 đến 22 giờ ngày 14/11, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Đến 22 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Từ 10 giờ ngày 14/11 đến 10 giờ ngày 15/11, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần.

Đến 10 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 10 giờ ngày 14/11 đến 10 giờ ngày 15/11 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Từ 10 giờ ngày 15/11 đến 10 giờ ngày 16/11, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Lào-Thái Lan.

Trên biển, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa) ngày 14/11 có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 5-7m, vùng gần tâm bão 9-11m; biển động dữ dội.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm và Hòn Ngư) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội.

Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng.

Dự báo, khi tiến gần hơn vào đất liền, các đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm; các tàu thuyền ở ven bờ, trong các khu neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.

Trên đất liền, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Từ chiều 14/11 đến ngày 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.

Như vậy, tất cả các hoạt động trên đất liền và ven biển sẽ có nguy có rất cao chịu ảnh hưởng của mưa bão và gió mạnh từ trưa và chiều 14/11.

[Ảnh hưởng bão số 13, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to]

Các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, trong đó vùng trọng tâm là Quảng Bình đến Quảng Nam.

Hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có mưa lớn, trên đất liền có gió mạnh dần lên.

Người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Để ứng phó với bão, toàn tỉnh tiến hành di dời hơn 19.000 hộ dân ở các vùng xung yếu nguy đến nơi an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn.

Công an tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá…

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành công điện khẩn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12 giờ ngày 14/11/2020 cho đến khi có thông báo mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại Học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong ngày 14-15/11/2020.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó bão số 13, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại địa bàn xung yếu.

Các địa phương cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân...

Thời gian vừa qua, người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phải gồng mình gánh chịu thiệt hại nặng nề khi bão chồng bão, lũ chồng lũ.

Hiện tại, nhiều vùng trũng của tỉnh như huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà nước vẫn còn ngập, nhiều khu dân cư bị chia cắt. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật hơn.

Tại Quảng Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có công văn chỉ đạo tất cả các địa phương trong tỉnh cùng lãnh đạo của các trường học trên địa bàn cho học sinh, sinh viên nghỉ học chiều 14/11 và sẽ đi học lại sau khi bão tan, tùy vào thực tế tại các địa phương.

Hiện, tất cả các trường học cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất các phương án phòng chống bão số 13 trước 12 giờ ngày 14/11, theo Công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về tập trung ứng phó với bão số 13 và tình hình mưa lũ.

Mực nước trên sông Hàn, Đà Nẵng, dâng cao do nước từ thượng nguồn đổ về. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tính đến trưa 14/11, tất cả những tàu thuyền không hoạt động đã được cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cùng với các lực lượng tại địa phương và các hộ dân chằng chống, neo đậu an toàn, phòng tránh gió bão làm va đập, hư hỏng.

Xác định cơn bão số 13 (bão Vamco) có tính chất phức tạp, nguy hiểm, từ sáng 13/11 đến nay, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão này. Trong đó quan trọng nhất là công tác di dời dân và chằng chống nhà cửa để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Lực lượng chức năng giúp người dân ven biển phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) chằng chống, gia cố nhà cửa ứng phó với cơn bão số 13. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Từ sáng sớm 14/11, lực lượng Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Công an phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã tập trung tuyên truyền chống bão, hỗ trợ dân chằng chống, gia cố nhà cửa, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho bà con nhân dân.

Với diễn biến thời tiết phức tạp và cực đoan như hiện nay, mưa kéo dài liên tục hàng tháng khiến nền đất yếu, khối trượt lớn, nguy cơ sạt lở đất rất cao.

Các địa phương có nhiều đồi núi, sông hồ tại Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán các hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Địa điểm được chọn di dân đến là các nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố. Tại đây, người dân được bố trí chỗ ăn ở và các thực phẩm thiết yếu.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sáng 14/11, để ứng phó với bão số 13, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán, di dời 18.889 hộ dân với 92.631 nhân khẩu đến các nơi tránh trú an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục