Ngày 16/7, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị các phương án và cơ sở vật chất để sẵn sàng đón người dân Thừa Thiên-Huế từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương.
Việc đón người dân trở về được chia ra thành nhiều đợt. Tỉnh sẽ tổ chức xét duyệt danh sách đăng ký trở về địa phương theo hướng ưu tiên người yếu thế, người gặp khó khăn, bị ảnh hưởng lớn hơn, như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động tự do, người mất việc làm, người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác, học sinh, sinh viên...
Dự kiến, từ ngày 20-25/7, tỉnh sẽ đón đợt đầu tiên khoảng 300 người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương bằng tàu hỏa. Toàn bộ chi phí bao gồm vé tàu, phí xét nghiệm, kinh phí cách ly tập trung của người dân sẽ được tỉnh hỗ trợ miễn phí.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, người dân trở về sẽ được bố trí đi trên một chuyến tàu và đón về thẳng khu cách ly tập trung theo quy trình khép kín.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tổ chức cách ly tập trung có trả phí đối với người dân có nhu cầu. Người dân tỉnh Thừa Thiên- Huế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể đăng ký trở về quê cách ly trên ứng dụng Hue-S.
Tại Bình Thuận, tối 16/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản gửi các Sở, ngành liên quan về việc chuẩn bị phương án đưa người dân Bình Thuận từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 trở về địa phương.
[Thừa Thiên-Huế: Không có chuyện từ chối công dân trở về từ vùng dịch]
Để có cơ sở thỏa thuận giữa tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc tổ chức đưa người dân Bình Thuận về tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với các Sở thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg để xác định đối tượng có nhu cầu trở về tỉnh (trong đó, ưu tiên người đi khám, điều trị bệnh trở về, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn...), số lượng người trở về, dự toán kinh phí. Các bên liên quan lập phương án trình Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức đưa người dân Bình Thuận trở về, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận và cách ly người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trở về để chủ động phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Thuận, trong ngày 16/7, Bình Thuận có 9 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, toàn tỉnh đã ghi nhận 54 trường hợp mắc COVID-19 đang được điều trị tại cơ sở y tế.
Tối 16/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành văn bản thống nhất hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động trên địa bàn do tạm dừng hoạt sộng kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh với mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày. Nguồn kinh phí hỗ trợ được chi từ nguồn kinh phí hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, xác định đúng đối tượng hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại.
Trước đó, vào ngày 15/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã thống nhất mức chi hỗ trợ cho các tình nguyện viên tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các chốt kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác vào thành phố Cần Thơ với số tiền 130.000 đồng/người/ngày, áp dụng theo ngày làm việc là 8 tiếng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, bắt đầu từ ngày 30/5, thành phố Cần Thơ đã thành lập các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến giao thông, đầu mối giao thông trọng điểm, cửa ngõ ra, vào thành phố và tại các bến xe, bến đò ngang trên địa bàn thành phố. Tại một số điểm kiểm soát đã triển khai thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 cho các trường hợp về từ vùng dịch.
Lực lượng tình nguyện viên không hưởng lương từ ngân sách, thực hiện công việc dưới thời tiết bất thường, chốt trực tạm bợ, có nhiều khó khăn nhưng các tình nguyện viên vẫn luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để phục vụ tốt công tác kiểm tra, thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 cho các trường hợp về từ vùng dịch. Các tình nguyện viên phải tự bảo đảm phương tiện đi lại nơi chốt trực và về lâu dài sẽ khó xã hội hóa nên phải tự đảm bảo tiền ăn trong thời gian tham gia trực chốt./.