Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang phấn đấu tăng năng lực cạnh tranh trong năm 2014 và 2015 nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn và thu hút thêm nhiều vốn đầu tư vào khu vực.
Tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre phấn đấu tiếp tục nằm trong nhóm “rất tốt;” Trà Vinh, Cần Thơ phấn đấu từ nhóm “tốt” lên “rất tốt;” các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang từ nhóm “khá” phấn đấu tăng lên “tốt.”
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, để đạt yêu cầu đề ra, từ nay đến năm 2015, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đào tạo nhân lực đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao.
Hiện các tỉnh trong vùng đang mời gọi các nhà đầu tư trong ngoài nước đầu tư thực hiện 178 dự án trọng điểm với tổng vốn 171.000 tỷ đồng và 1,5 tỷ USD. Do đó, các tỉnh đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, tăng năng lực điều hành theo hướng tiên phong, linh hoạt của cán bộ lãnh đạo, chấm dứt việc gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng 87.000 tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông thủy, bộ, hàng không nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước mắt, các tỉnh triển khai chương trình giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, trình độ quản lý, nắm vững thông tin thị trường; minh bạch hóa về chất lượng sản phẩm, xử lý chất thải, bảo đảm an tòan vệ sinh thực phẩm, thiết lập hệ thống xúc tiến thương mại, tiếp thị, quảng cáo, đại lý phân phối sản phẩm; mở rộng xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang thực hiện khá tốt chính sách ưu đãi đầu tư. Nhờ đó, đến nay toàn vùng đã thu hút trên 1.600 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn trên 416.000 tỷ đồng cùng 836 dự án nước ngoài với tổng vốn 11,8 tỷ USD.
Để có kết quả trên, đối với nhà đầu tư trong nước, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm 50% tiền sử dụng đất, được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động, được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng; được hỗ trợ 70-100% kinh phí đào tạo nghề trong nước, được hỗ trợ 50 đến 70% chi phí quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, được miễn phí tiếp cận thông tin thị trường, được hỗ trợ 30 đến 50% kinh phí tư vấn về đầu tư, quản lý, nghiên cứu thị trường, luật pháp, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các tỉnh miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
Đến thời điểm phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tính ở mức 20% lợi nhuận thu được; được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và ngân hàng liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài./.