Các tỉnh ĐBSCL nỗ lực nâng chất lượng dạy và học

Các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đạt chỉ số phát triển ngành học, cấp học ngang bằng mức bình quân chung cả nước.

Ngày 6/12, Hội nghị giao ban các Sở Giáo dục và Đào tạo vùng thi đua 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I, năm học 2013-2014 đã diễn ra tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Ông Đinh Nhất Linh, Phó Trưởng phòng Thanh tra phía Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giáo dục, đào tạo theo Quyết định 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm học 2013-2014 Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đạt chỉ số phát triển ngành học, cấp học ngang bằng mức bình quân chung cả nước.

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập trung học cơ sở và phổ cập bậc trung học theo lộ trình kế hoạch đã đăng ký; giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở giáo dục phổ thông dưới mức bình quân chung; thực hiện tốt đề án đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đạt chỉ tiêu đào tạo sau đại học; từng bước điều chỉnh cơ cấu và trình độ lực lượng lao động, tăng số sinh viên/vạn dân; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; kiện toàn và hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới trường, lớp học từ mầm non, mẫu giáo đến cao đẳng, đại học, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia...

Ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, Trưởng vùng thi đua 6, cho biết để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, các sở giáo dục và đào tạo trong vùng tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các nội dung phong trào thi đua trong toàn ngành, xem đây là hoạt động thường xuyên của ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của công tác giáo dục, thay đổi cách suy nghĩ, cách làm và tích cực tham gia vào quá trình giáo dục...

Tuy nhiên, theo Trưởng vùng thi đua 6, công tác giáo dục các tỉnh và thành phố trong cụm còn gặp không ít khó khăn, nhất là đời sống kinh tế đã tác động không nhỏ đến cán bộ, công nhân viên chức của ngành; điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập có được quam tâm đầu tư nhưng còn thiếu; một bộ phận cán bộ quản lý, thầy cô giáo chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.

Thêm vào đó, số lượng học sinh bỏ học có giảm nhưng vẫn còn khá cao với hơn 20.000 học sinh, chiếm gần 0,7% tổng số học sinh trong vùng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phổ cập giáo dục ở các bậc phổ thông trong vùng.

Theo thống kê đầu năm học 2013-2014, toàn vùng huy động gần 3,2 triệu học sinh, sinh viên theo học ở 6.598 điểm trường, tăng hơn 32.737 học sinh so với năm học trước; trong đó, hệ mầm non, mẫu giáo tăng hơn 11.000 hoc sinh, tiểu học tăng hơn 7.000 học sinh...

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm quyết với các nội dung tập trung củng cố, kiện toàn nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu, tốt nhất đưa ngành giáo dục trong khu vực phát triển ngang bằng với các tỉnh, thành trong cả nước.

Đặc biệt, các đại biểu đặt ra yêu cầu chất lượng giảng dạy, đào tạo ở các cấp học năm sau phải cao hơn năm trước, góp phần từng bước nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục