Các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai

Trước khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng sẽ kéo dài nhiều ngày ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa được yêu cầu khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai ứng phó với thiên tai.
Các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai ảnh 1Người dân lưu thông trên đường Trần Nhật Duật. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trước khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng sẽ kéo dài nhiều ngày ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ngày 26/7, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã yêu cầu các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, ngày và đêm 26/7, Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông; riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa to đến rất to (50-120mm/24 giờ). Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc và gió giật mạnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1; riêng ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ cấp 2. Từ ngày 27/7, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra toàn bộ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và có khả năng kéo dài đến đầu tháng Tám tới.

Ngoài ra, ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, trong ngày và đêm 26/7, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh. Đến ngày 31/7 tới, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ và thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, gọi điện đến các địa phương (Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang) đôn đốc địa phương thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp ngày 25/7, về việc ứng phó với tình hình thiên tai phức tạp tại khu vực miền Bắc.

[Bắc Bộ có mưa lớn diện rộng, các tỉnh miền núi đề phòng lũ quét]

Tổng cục Thủy lợi đã có Công điện số 08 ngày 24/7 gửi các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền Bắc tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tìm kiếm người mất tích, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và các hình thế thời tiết nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Đặc biệt, các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn, nhất là sơ tán dân vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Thông tin kịp thời đến người dân và các cấp chính quyền cơ sở biến diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó. Đồng thời rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, tiếp tục vận hành hệ thống tiêu úng và tiêu nước đệm; sẵn sàng phương án chỉ đạo, hỗ trợ giống phục hồi sản xuất.

Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn hồ đập chứa thủy điện, an toàn hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, sẵn sàng vật tư, phương tiện để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính. Phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ thuốc, hóa chất lọc nước cho các địa phương vừa bị thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ tiếp theo.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục