Các tiệm vàng tư nhân trước nguy cơ bị niêm phong tài sản

Sau vụ tiệm vàng Hoàng Mai (TP. HCM) bị niêm phong 559 lượng vàng vì tội quy đổi 100 USD trái phép, các tiệm vàng tư nhân khác cũng rơi vào tình trạng lo lắng.

Dư luận đang ồn ào về cách làm việc của cơ quan công quyền sau khi tiệm vàng Hoàng Mai tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh bị niêm phong 559 lượng vàng vì tội quy đổi 100 USD trái phép.

Rất nhiều chủ tiệm vàng đã tỏ ra lo lắng và theo dõi sát thông tin về “vụ Hoàng Mai” vì nguy cơ bị kiểm tra, bị phạt, bị tịch thu tài sản sai quy trình nhà nước.

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc, trưởng văn phòng luật sư Huyền Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên Vietnam+ về vấn đề này và khẳng định việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét tiệm vàng Hoàng Mai là trái thẩm quyền.

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho biết từ việc cho rằng tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán 100 USD được cho là trái phép, công an quận Bình Thạnh thực hiện quyết định khám xét này của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh niêm phong 14.000 USD khác và 559 lượng vàng là thiếu căn cứ.

- Thưa ông, qua vụ kiểm tra Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kinh doanh vàng Hoàng Mai hay còn gọi là tiệm vàng Hoàng Mai, ông thấy có những vấn đề khúc mắc nào liên quan đến luật?

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc: Trước hết là cần xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật về vi phạm hành chính mà cụ thể là việc quy đổi 100 USD được cho là trái phép. Nếu phát hiện có hành vi đó thì trước hết là lập biên bản hành chính và áp dụng một số quy định về quy định tiền tệ ngân hàng như nghị định 24, nghị định 95 của Chính phủ về việc kinh doanh ngoại tệ và vàng.

Lẽ ra vụ việc chỉ dừng lại ở việc xem xét vi phạm hành chính về hoạt động tiền tệ ngân hàng để xử lý hành chính. Theo nghị định 95 của Chính phủ, việc vi phạm hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng trái phép có thể bị phạt đến 150 triệu đồng.

- Chủ tiệm vàng Hoàng Mai khẳng định không biết nhân chứng nào đã vào tiệm vàng để đổi 100 USD. Cơ quan chức năng cũng cũng không đưa ra được biên bản vi phạm hành chính để chứng minh cho việc mua bán 100 USD trái phép của tiệm vàng Hoàng Mai. Như vậy, vai trò nhân chứng ở đây được hiểu như thế nào?

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc, trưởng văn phòng luật sư Huyền Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM (Nguồn: Nhân vật cung cấp)

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc: Vụ việc diễn ra phải có những nhân tố khách quan để xác định hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng. Nếu không xác định được có người đã đến tiệm vàng Hoàng Mai đổi 100 USD, cũng như cơ quan chức năng không xuất trình được biên bản vi phạm hành chính về việc mua bán ngoại tệ trái phép tại tiệm vàng này đồng nghĩa với việc tiệm vàng Hoàng Mai không thực hiện hành vi mua bán ngoại tệ trái phép.

Nếu nói tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán 100 USD là trái phép thì cần xác định được người bán 100 USD đó và phải được lập biên bản vi phạm hành chính ngay khi việc mua bán diễn ra và có người bán ký tên xác nhận.

Trong khi không xác định được người bán 100 USD và cũng không có biên bản vi phạm hành chính được người bán, người mua xác nhận mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận lại ra quyết định khám xét là tùy tiện.

Mặt khác, diễn biến cho thấy sự vụ diễn ra ngày 24/4 trong khi đó công an đã đề xuất ra quyết định khám xét vào ngày 22/4 và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định vào ngày 23 thì quả là có khả năng “tiên tri."

- Ông nói gì về những điều “tiên tri” kiểu như thế này?

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc: Công an quận Bình Thạnh đã tiến hành khám xét theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh là trái pháp luật. Thứ nhất là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận không có thẩm quyền ban hành quyết định khám xét.

Thứ hai, đây là quyết định hành chính nhưng không có căn cứ biên bản vi phạm hành chính mà quyết định của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ký ngày 23/4 đăng trên báo chí ghi rõ "Xét đề nghị của Công an quận Bình Thạnh tại công văn số 246/CAQ ( KT-CV) ngày 22/4."

Điều này cho thấy việc cho rằng ngày 24/4 tiệm vàng Hoàng Mai có hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là thiếu căn cứ. Bởi văn bản đề nghị của công an quận Bình Thạnh đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định “khám xét” từ hai ngày trước đó và văn bản quyết định “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở” của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh được ký trước đó một ngày.

- Nhưng Trung tá Đặng Ngọc Vinh, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Bình Thạnh giải thích trên báo Tuổi Trẻ ngày 27/4 rằng: “Lệnh khám xét ghi ngày 23/4, tức một ngày trước khi bắt quả tang vụ mua bán ngoại tệ trái phép, là do sơ suất của bộ phận thư ký hành chính." Ông nghĩ gì về điều này?

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc: Tôi cho rằng đây là cách giải thích để xoa dịu dư luận vì xét về trình tự thời gian thì chính công an quận Bình Thạnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét.

Tôi lấy làm ngạc nhiên vì sao công an quận Bình Thạnh lại đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét mà không tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm quyền ban hành quyết định khám xét cũng như là trình tự thủ tục của nó đã được quy định của điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tôi càng ngạc nhiên hơn vì sao chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh lại có thể ban hành quyết định và có thể ghi rõ “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở."

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính đều không đề cập đến thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ra quyết định khám xét nơi ở. Quyết định khám xét này là trái pháp luật.

- Nếu nơi nào cũng khám xét các tiệm vàng tư nhân như Công an quận Bình Thạnh và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh thì theo ông sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc: Cần phải ngăn chặn ngay việc tái diễn tình trạng giống như vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai. Ngay sự việc Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh ra quyết định trái pháp luật khám xét tiệm vàng Hoàng Mai thì không chỉ đối với người kinh doanh và mọi gia đình công dân đều bất an bởi ai cũng có thể bị khám xét vô cớ và bị niêm phong tài sản cá nhân.

Muốn giải tỏa tài sản thì phải chứng minh trong khi như trường hợp của tiệm vàng Hoàng Mai thì chẳng những vi phạm về quyền sở hữu tài sản mà còn vi phạm cả quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người dân và một số quyền công dân khác.

Chỉ một “vụ Hoàng Mai” đã tạo ra bất ổn về tâm lý xã hội vì ai nấy đều lo sợ sẽ đến lượt mình bị kiểm tra, khám xét vô căn cứ.

Các cơ quan chức năng ở những nơi khác mà “học tập” Công an quận Bình Thạnh và Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh để khám xét tất mọi cơ sở kinh doanh vàng bạc trên địa bàn mình quản lý nói riêng cũng như khám xét nơi ở, phong tỏa tài sản bất kỳ công dân nào nói chung sẽ dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng.

- Theo ông thì vụ khám xét từ một quyết định trái luật như vậy khiến tiệm vàng Hoàng Mai phải tạm dừng kinh doanh sẽ dẫn đến những thiệt hại nào, họ có quyền khởi kiện không và kiện ai?

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc: Việc khám xét tiệm vàng Hoàng Mai bản thân nó đã gây thiệt hại về uy tín doanh nghiệp. Chẳng những vậy, theo thông tin báo chí thì việc khám xét này đã làm cho chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng Hoàng Mai bị hoảng loạn phải nhập viện và làm đơn thông báo dừng kinh doanh lại là thiệt hại về sức khỏe, tâm lý và cả doanh thu của cơ sở kinh doanh.

Chủ tiệm vàng Hoàng Mai có quyền khởi kiện hành chính để hủy quyết định khám xét của Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, đồng thời chứng minh các thiệt hại và yêu cầu bồi thường.

- Xin cảm ơn ông!

Thẩm quyền ra lệnh khám xét (Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự)

- Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp.

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
- Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, Lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
- Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Thủ tục khám (Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự)

- Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.
- Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.
- Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục