Các thương hiệu Trung Quốc phục hồi đáng ngạc nhiên bất chấp đại dịch

Brand Finance cho biết tổng giá trị của bảng xếp hạng Brand Finance China 500 vẫn ổn định qua từng năm bất chấp đại dịch COVID-19, đứng ở mức 1.940 tỷ USD trong năm 2021.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Global Times)

Brand Finance, công ty đánh giá giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Vương quốc Anh, ngày 11/5 công bố báo cáo cho thấy các thương hiệu Trung Quốc đã thể hiện khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trước những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong báo cáo "Xếp hạng 500 thương hiệu của Trung Quốc 2021” (Brand Finance China 500 2021), Brand Finance cho biết tổng giá trị của bảng xếp hạng Brand Finance China 500 vẫn ổn định qua từng năm bất chấp đại dịch COVID-19, đứng ở mức 1.940 tỷ USD trong năm 2021.

Báo cáo này cho biết các thương hiệu đi đầu trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và những thương hiệu góp phần hỗ trợ quá trình chuyển đổi tiêu dùng trực tuyến, trên các lĩnh vực dược phẩm, bán lẻ và truyền thông, đã hoạt động đặc biệt tốt và ghi nhận mức tăng giá trị thương hiệu cao nhất.

Theo báo cáo, lĩnh vực dược phẩm chứng kiến sự gia tăng giá trị thương hiệu lớn nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực ngân hàng có 85 thương hiệu chiếm 22% tổng giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng trên, trong đó Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) một lần nữa giành danh hiệu thương hiệu giá trị nhất Trung Quốc.

David Haigh, Giám đốc điều hành của Brand Finance cho biết các ngân hàng Trung Quốc đã đạt điểm rất cao trong nghiên cứu Giám sát công bằng thương hiệu toàn cầu của Brand Finance năm nay.

Điều này một phần nhờ sự kiểm soát dịch bệnh tốt của Trung Quốc, cho phép nền kinh tế tiếp tục hoạt động ổn định, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển hơn nữa.

[Australia cam kết chi hàng tỷ USD duy trì phục hồi kinh tế]

Trong khi đó, các thương hiệu trong lĩnh vực bán lẻ, cụ thể là thương mại điện tử, tăng vọt do người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến sau khi cửa hàng buộc phải đóng cửa.

Bán lẻ là lĩnh vực có giá trị lớn thứ hai, với sự góp mặt của 17 thương hiệu và chiếm 10% tổng giá trị thương hiệu, và cũng là lĩnh vực phát triển nhanh thứ hai, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu tích lũy là 54%.

Ở cấp độ khu vực, Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, một cụm thành phố sôi động ở miền nam Trung Quốc, là nơi có nhiều thương hiệu hàng đầu hơn bất kỳ khu vực nào khác ở Trung Quốc với 134 thương hiệu có mặt trong bảng xếp hạng này.

Brand Finance có văn phòng tại hơn 20 quốc gia. Công ty này đã tiến hành hơn 5.000 cuộc định giá thương hiệu mỗi năm và công bố gần 100 báo cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục