Các thị trường chứng khoán và hàng hóa tại châu Á cùng chịu sức ép

Thị trường chứng khoán và vàng tiếp tục đi xuống trước khả năng lãi suất sẽ không sớm hạ; còn thị trường dầu mỏ cũng chịu sức ép, do số liệu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thấp hơn dự kiến.

(Ảnh minh họa. THX/TTXVN)
(Ảnh minh họa. THX/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 17/1 tại châu Á, các thị trường chứng khoán và vàng tiếp tục đi xuống trước khả năng lãi suất sẽ không sớm hạ, trong khi thị trường dầu mỏ cũng chịu sức ép, do số liệu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thấp hơn dự kiến.

Các thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm

Các thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm, trong bối cảnh khả năng các ngân hàng trung ương sớm hạ lãi suất đã giảm đi và số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái tăng trưởng chậm nhất trong hơn ba thập kỷ.

Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,4%, xuống 35.477,75 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,7%, xuống 15.276,9 điểm. Chỉ số của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 2,1%, xuống 2.833,62 điểm.

Một loạt số liệu và các phát biểu từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ít có khả năng hạ lãi suất trong quý I/2024, do lạm phát vẫn vượt mức mục tiêu và thị trường lao động vẫn vững.

Trong khi đó, căng thẳng tại Trung Đông và Đông Âu gia tăng cùng với bất đồng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục khiến các nhà đầu tư lo ngại đà phục hồi kinh tế còn mong manh sẽ đảo ngược.

Nhà đầu tư chịu thêm sức ép khi số liệu cho thấy GDP của Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 1990, không kể những năm chịu tác động của đại dịch.

Số liệu mới cho thấy tác động của khủng hoảng bất động sản, chi tiêu thấp và biến động trên toàn cầu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vàng xuống giá khi đồng USD tăng

Giá vàng tiếp tục giảm xuống mức thấp trong gần một tuần, khi đồng USD lên giá, sau phát biểu của quan chức Fed bác bỏ khả năng hạ lãi suất vào tháng 3/3024, trong khi các nhà giao dịch chờ phát biểu của các quan chức khác của Fed trong tuần này.

Giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 2.024,49 USD/ounce vào lúc 15 giờ 27 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm 1,3% trong phiên trước, mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ ngày 4/12/2023.

Thống đốc Fed Christopher Waller đã nói Fed không nên hạ lãi suất cho đến khi lạm phát giảm ổn định.

Khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 3/2024 hiện giảm xuống 63%, so với khoảng 75% vào ngày 16/1.

Dòng tiền chảy vào đồng USD là nguyên nhân chính khiến giá vàng giảm trong phiên nà.

Giá dầu giảm khi đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc thấp hơn dự kiến

Giá dầu giảm khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, gây lo ngại về nhu cầu sắp tới, trong khi đồng USD mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của tài sản rủi ro.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 58 xu Mỹ, hay 0,7%, xuống 77,71 USD/thùng vào lúc 14 giờ 20 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ giảm 61 xu Mỹ, hay 0,8%, xuống 71,79 USD/thùng.

Giá dầu Brent tăng nhẹ trong phiên trước, trong khi giá dầu WTI giảm, khi nhà đầu tư cho rằng các nền tảng tại Mỹ yếu đi, trong khi xung đột tiếp diễn trên Biển Đỏ làm gia tăng quan ngại các tàu chở dầu phải thay đổi lộ trình, điều sẽ làm tăng chi phí và kéo dài thời gian giao hàng.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 4/2023 ở mức 5,2%, thấp hơn dự báo và gây hoài nghi về các dự báo cho rằng nhu cầu của Trung Quốc có thể kéo tăng trưởng nhu cầu của toàn cầu mạnh hơn trong năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục