Các thị trường chứng khoán và hàng hóa châu Á khởi sắc phiên cuối tuần

Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên 8/12, giá vàng dù ổn định nhưng đã giảm gần 2% kể từ đầu tuần, trong khi đó giá dầu hướng tới tuần giảm thứ 7 liên tiếp.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Các thị trường chứng khoán và hàng hóa châu Á nhìn chung trong xu hướng đi lên vào phiên 8/12, trước khi số liệu việc làm của Mỹ được công bố.

Tuy nhiên, giá vàng hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần và giá dầu trên đà giảm tuần giảm thứ 7 liên tiếp.

Phần lớn các thị trường chứng khoán lên điểm

Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên 8/12, nối gót đà phục hồi của phố Wall trước khi số liệu việc làm của Mỹ được công bố, trong khi thị trường Nhật Bản chịu sức ép do đồng yen tiếp tục tăng giá trước khả năng nước này dừng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Các thị trường Thượng Hải, Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Bangkok đều tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,1%, lên 2.969,56 điểm.

Trong khi đó, chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,1%, xuống 16.334,37 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,7%, xuống 32.307,86 điểm.

Một loạt số liệu cho thấy thị trường việc làm và kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, đưa đến khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất vào đầu năm 2024.

Hy vọng lãi suất giảm đã tạo động lực phục hồi của thị trường trong tháng trước.
Tuy nhiên, có những nhà giao dịch thận trọng do lo ngại các số liệu kinh tế yếu hơn cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái.

Giá vàng hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần

Giá vàng hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần sau khi đồng USD lên giá, dù giá đã ổn định trong phiên 8/12, khi các thị trường chờ số liệu việc làm của Mỹ để nhận định về khả năng Fed hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 3/2024.

Giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 2.030,32 USD/ounce vào lúc 07 giờ 50 phút GMT (14 giờ 50 phút theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, giá kim loại này giảm gần 2% kể từ đầu tuần.

Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.047,1 USD/ounce.

Trang sức vàng được bày bán tại Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng đạt mức cao kỷ lục 2.135,4 USD/ounce trong phiên 4/12 trước khả năng Fed hạ lãi suất gia tăng, trước khi giảm hơn 100 USD do sự không chắc chắn về thời điểm lãi suất hạ.

Số liệu được công bố tuần này cho thấy thị trường việc làm Mỹ đang dần mất động lực khi lãi suất tăng làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế.

Báo cáo việc làm tháng 11/2023 sẽ được công bố vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 8/12 theo giờ GMT (20 giờ 30 theo giờ Việt Nam), và được dự báo sẽ cho thấy 180.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng.

Giá dầu hướng tới tuần giảm thứ 7 liên tiếp

Giá dầu hướng tới tuần giảm thứ 7 liên tiếp, do lo ngại về tình trạng dư cung trên toàn cầu và nhu cầu của Trung Quốc yếu, dù giá phục hồi trong phiên này, sau khi Saudi Arabia và Nga kêu gọi thêm các thành viên khác trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, cùng cắt giảm sản lượng.

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,54 USD, hay 2,1%, lên 75,59 USD/thùng vào lúc 14 giờ 4 phút theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,39 USD, hay 2%, lên 70,73 USD/thùng.

Cả hai loại dầu đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023 trong phiên trước, một dấu hiệu cho thấy nhiều nhà giao dịch cho rằng thị trường dư cung.

Tuy nhiên, Saudi Arabia và Nga, hai nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới, ngày 7/12 đã kêu gọi toàn bộ các nước thành viên OPEC+ tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng tổng cộng 2,2 triệu thùng ngày trong quý I/2024.
Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và việc sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh cũng góp phần khiến giá dầu giảm trong tuần này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục