Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 21/12, sau khi giảm mạnh trong phiên trước, do thông báo điều chỉnh chính sách tiền tệ gây bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Các thị trường Nhật Bản, Thượng Hải, Mumbai, Singapore và Hàn Quốc giảm điểm. Trong khi đó, các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Sydney, Wellington, Taipei, Manila, Bangkok và Jakarta cùng tăng.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,68%, hay 180,31 điểm, xuống 26.387,72 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,17%, hay 5,36 điểm, xuống 3.068,41 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,19%, hay 4,34 điểm, xuống 2.328,95 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,34%, hay 65,69 điểm, lên 19.160,49 điểm.
[Khối ngoại mua ròng hàng nghìn tỷ đồng, VN-Index giảm phiên thứ 4]
Việc BoJ cho phép lợi suất một số loại trái phiếu biến động trong biên độ rộng hơn được xem là sẽ mở đường cho khả năng tăng lãi suất trong năm tới như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Thông báo của BoJ trong ngày 20/12 đã khiến đồng yen tăng mạnh từ mức trên 137 yen đổi 1 USD lên trên 130 yen đổi 1 USD, mức cao nhất kể tháng Tám, trong khi cũng phục hồi so với các đồng tiền khác như đồng euro. Đồng yen vẫn giữ được đà tăng trong phiên 21/12.
Một số nhà quan sát cho rằng đồng yen có thể tiếp tục tăng giá, lên khoảng 120 yen đổi 1 USD, khi vẫn tương đối thấp, sau khi giảm trong phần lớn của năm nay so với đồng USD, do các chính sách tiền tệ trái ngược của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và BoJ.
Hầu hết các thị trường trong khu vực phục hồi sau đợt bán tháo, dù lo ngại lãi suất sẽ tiếp tục tăng trên toàn cầu trong năm tới đã hạn chế đà tăng.
Thông báo gây bất ngờ của BoJ được đưa ra sau khi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu trong tuần trước tăng lãi suất và các quan chức cảnh báo lãi suất có thể tăng cao hơn dự kiến.
Các biện pháp thắt chắt chính sách tiền tệ nhằm hạ nhiệt lạm phát ở mức hai con số đã gây lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank cho rằng động thái của BoJ sẽ dỡ bỏ một trong những mỏ neo cuối cùng của kinh tế toàn cầu vốn đã góp phần duy trì lãi suất ở mức thấp.
Các nhà giao dịch cũng đang hướng sự chú ý đến Trung Quốc, khi nước này đã nhanh chóng mở cửa trở lại sau gần ba năm thực hiện chính sách "Không COVID," với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, có lo ngại về tác động trước mắt do số ca mắc tăng mạnh đến năng lực của các bệnh viện, khả năng cung ứng thuốc.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 21/12, VN-Index giảm 4,25 điểm, xuống 1.018,88 điểm, HNX-Index giảm 3,07 điểm, xuống 204,46 điểm./.