Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 2/9 do những lo ngại mới về việc Trung Quốc siết chặt quản lý các công ty công nghệ đang “lấn át” sự lạc quan về triển vọng phục hồi trên thế giới và nỗi lo về dịch COVID-19 dịu xuống.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 28.543,51 điểm. Trong khi đó, ở Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong nhích 0,2% lên 26.090,43 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,8% lên 3.597,04 điểm.
Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite đã được tiếp sức nhờ quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương nước này) về việc cung cấp khoản tài chính với lãi suất thấp trị giá hàng chục tỷ USD cho các ngân hàng để các ngân hàng này có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các công ty vừa và nhỏ.
Hòa chung xu hướng trên, các thị trường chứng khoán Wellington, Manila, Mumbai và Bangkok cũng tăng điểm. Ở chiều ngược lại, các thị trường chứng khoán Sydney, Singapore, Seoul, Đài Bắc và Jakarta đều đi xuống.
Các thị trường chứng khoán ở châu Á mở cửa phiên giao dịch khá tốt, nới rộng đà tăng gần đây, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ, dự kiến công bố vào cuối ngày.
[Các chỉ số của Phố Wall khởi động tháng 9 với diễn biến trái chiều]
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại sau thông tin cho biết các cơ quan quản lý Trung Quốc đã triệu tập “gã khổng lồ” chia sẻ xe Didi Chuxing và 10 nền tảng gọi xe khác trong động thái mới nhất nhằm chấn chỉnh các công ty công nghệ mà họ cho là có ảnh hưởng quá lớn.
Các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu các công ty này, trong đó có ứng dụng cung cấp dịch vụ chia sẻ xe hàng đầu Meituan, chấm dứt các chiến lược mở rộng quy mô một cách "vô tổ chức" và cạnh tranh không lành mạnh.
Trong một cuộc họp ngày 1/9, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết các nền tảng này được yêu cầu phải tự kiểm tra các vấn đề nội bộ, chấn chỉnh các hành vi bất hợp pháp, đồng thời phải cắt giảm mức phí hoa hồng mà họ nhận được từ mỗi chuyến đi và bảo vệ dữ liệu cá nhân của hành khách.
Động thái này diễn ra sau một loạt biện pháp nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, cũng như các lĩnh vực khác bao gồm giáo dục, bất động sản và trò chơi điện tử.
Ngoài ra, báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ cũng đang được giới đầu tư theo dõi sát sao, trong đó một số nhà quan sát cho rằng nếu báo cáo việc làm khả quan thì có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu rút dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế ngay trong tháng 9/2021.
Số liệu việc từ công ty dịch vụ quản lý nguồn nhân lực ADP đưa ra ngày 1/9 cho thấy số lượng việc làm được tạo ra trong tháng 8/2021 thấp hơn nhiều so với dự kiến do số ca mắc COVID-19 gia tăng trên toàn nước Mỹ.
Trả lời phỏng vấn của mạng truyền hình trả tiền Bloomberg Television (Mỹ), chuyên gia Tracie McMillion thuộc tại Viện Đầu tư Wells Fargo cho rằng Fed sẽ giữ cam kết và sẽ bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế vào cuối năm nay, song cơ quan này sẽ không vội vàng tăng lãi suất.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9./.