Các thị trường châu Á chuẩn bị cho một tuần nhiều biến động

Giới quan sát lưu ý tuần từ 6/2 sẽ là một tuần đầy biến động với nhà đầu tư khi nhiều số liệu kinh tế châu Á được công bố cùng với diễn biến mới “bóng bay gián điệp" trong quan hệ Mỹ-Trung.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo giới quan sát, các nhà giao dịch ở châu Á nên chuẩn bị cho một tuần khởi đầu đầy biến động khi các thị trường khu vực hấp thụ tác động lan tỏa từ đợt bán tháo hôm thứ Sáu của chứng khoán Phố Wall.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng sau khi một máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc vào thứ Bảy cũng sẽ “khuấy đảo” tâm lý trên các thị trường.

Giới quan sát lưu ý đây vốn sẽ là một tuần bận rộn với nhiều sự kiện và công bố số liệu kinh tế của khu vực châu Á, bao gồm các quyết định về lãi suất từ Ấn Độ tới Australia, lạm phát và số liệu cho vay ngân hàng của Trung Quốc và số liệu về tài khoản vãng lai của Nhật Bản.

Ngoài ra, còn các yếu tố khác cũng sẽ định hướng cho thị trường vào ngày 6/2. Đó là Indonesia công bố ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quý 4 và cả năm 2022, Thái Lan công bố số liệu lạm phát của tháng 1/2023 và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đưa ra doanh số bán lẻ cho tháng 12/2022.

[Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục tăng trong tuần qua]

Các nhà đầu tư châu Á đã có những ngày cuối tuần để phân tích hành động và các tín hiệu không rõ ràng của thị trường Mỹ vào thứ Sáu tuần trước (3/2).

Phố Wall đã mất điểm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất và kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2023 mờ dần. Nhưng các chỉ số kỹ thuật và mức độ biến động của thị trường vẫn ở mức thấp, dấy lên hy vọng về một cuộc "hạ cánh mềm."

Câu hỏi hóc búa đặt ra ở đây là những số liệu tích cực có phải là tin xấu không? Liệu các số liệu kinh tế mạnh có phải là dấu hiệu của một nền kinh tế khỏe mạnh và do đó có lợi cho thu nhập doanh nghiệp? Hay đó là dấu hiệu cảnh báo vì lãi suất cao hơn sẽ làm chậm nền kinh tế và ảnh hưởng đến thu nhập?

Hoạt động giao dịch ở châu Á cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi diễn biến mới nhất trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và câu chuyện “bóng bay gián điệp.”

Trung Quốc hôm 5/2 đã lên án vụ việc là một "phản ứng thái quá," cho hay nước này bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với "những tình huống tương tự" mà không cần giải thích chi tiết.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ một cuộc khủng hoảng khu vực khác - cuộc khủng hoảng tài chính này xoay quanh vào Tập đoàn Adani của Ấn Độ, sau khi công ty chuyên về bán khống Hindenburg Research có trụ sở tại Mỹ cáo buộc tập đoàn này thao túng chứng khoán và có các khoản nợ không bền vững.

Nỗi lo ngại về tác động tài chính lan rộng ở Ấn Độ đang lớn dần. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo tập đoàn Adani có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn, trong khi một cơ quan khác là S&P đã cắt giảm triển vọng đối với hai hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) hôm 3/2 đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng hệ thống tài chính của đất nước vẫn vững chắc.

RBI nhấn mạnh rằng các thông số khác nhau liên quan đến mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản, phạm vi cung cấp và khả năng sinh lời của hệ thống tài chính nước này đều lành mạnh.

Đây là bối cảnh cho quyết định chính sách của RBI vào thứ Tư tuần này (8/2) khi họ dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất cho vay cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên ngưỡng 6,5%.

Cũng trong tuần này, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) ngày 7/2 cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lần thứ tư và đưa lãi suất lên 3,35%.

Các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là lần tăng áp chót trước khi lãi suất ổn định ở mức 3,60% vào tháng Ba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục