Các thành viên ISA chưa đạt đồng thuận khai khoáng ở biển sâu

Một bộ quy tắc chung về hoạt động khai khoáng ở biển sâu vẫn chưa được các thành viên Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế thống nhất tại cuộc họp thường niên ở Jamaica.
Các thành viên ISA chưa đạt đồng thuận khai khoáng ở biển sâu ảnh 1Quần thể rạn san hô ở Công viên Biển Mafia,Tanzania. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)

Tại cuộc họp thường niên của Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) về hoạt động khai khoáng ở biển sâu, diễn ra tại thủ đô Kingston của Jamaica ngày 26/7, các thành viên chưa thống nhất được về một bộ quy tắc chung khi hai bên ủng hộ và phản đối đều khẳng định lập trường của mình sẽ giúp bảo vệ hành tinh.

Quốc vụ khanh về biển của Pháp, ông Herve Berville nhấn mạnh: “Chúng ta không thể và không được bắt tay vào một hoạt động công nghiệp mới khi chưa lường hết được hậu quả, và vì vậy có nguy cơ gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với hệ sinh thái biển.”

Ông cảnh báo: “Trách nhiệm của chúng ta là rất lớn và không ai có thể nói là không biết về sự suy giảm đa dạng sinh học biển, mực nước biển dâng cao hoặc nhiệt độ đại dương tăng đột ngột.”

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, ISA chịu trách nhiệm bảo vệ đáy biển ở các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia và giám sát mọi hoạt động thăm dò hoặc khai thác tài nguyên trong các khu vực đó.

[Tranh cãi quanh dự án khai thác đáy biển sâu ở Thái Bình Dương]

Một số nước muốn nhanh chóng và bắt đầu thu hoạch các "nốt sần đa kim" giống như đá nằm rải rác dưới đáy biển, nơi chứa các khoáng chất quan trọng để sản xuất pin như niken, coban và đồng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác phản đối hoạt động khai khoáng này.

Tổng thống quốc đảo Nauru, ông Russ Joseph Kun lập luận: “Chúng tôi có cơ hội hỗ trợ sự phát triển của một lĩnh vực có tiềm năng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Về phần mình, Thủ tướng của Quần đảo Cook, ông Mark Brown cho rằng "cộng đồng toàn cầu cần sử dụng mọi công cụ có sẵn" để ứng phó với biến đổi khí hậu, song kêu gọi "có trách nhiệm và bền vững vì phúc lợi lâu dài của người dân chúng ta và bảo tồn môi trường biển độc đáo của chúng ta."

Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học cho rằng việc đánh bắt bằng lưới kéo dưới biển sâu có thể phá hủy môi trường sống và các loài có thể vẫn chưa được biết đến hoặc có thể đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái, cũng như có nguy cơ làm gián đoạn khả năng hấp thụ CO2 của đại dương.

Khoảng 20 quốc gia đã yêu cầu "tạm dừng để phòng ngừa" đối với hoạt động khai khoáng ở biển sâu.

Cuộc họp năm nay, dự kiến kết thúc trong ngày 27/7, diễn ra sau hạn chót ngày 9/7 do Nauru - quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương đưa ra, theo đó kể từ khi sau hạn chót này, nếu các nước không thể thông qua một bộ quy tắc chung, ISA có nghĩa vụ xem xét yêu cầu của các chính phủ về cấp phép khai khoáng ở biển sâu.

Tuần trước, Hội đồng ISA gồm 36 thành viên đã đưa ra mục tiêu áp dụng mã khai khoáng biển sâu từ năm 2025, nhưng không đồng ý về cách kiểm tra các yêu cầu hợp đồng trong thời gian chờ đợi, làm dấy lên những quan ngại về một "khoảng trống pháp lý."

Nauru cho biết họ sẽ "sớm" ký hợp đồng cho Nori, một công ty con của The Metals của Canada, đang tìm cách thu hoạch "các nốt sần đa kim" trong khu vực đứt gãy Clarion-Clipperton (CCZ) ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, Hội đồng ISA đã lưu ý rằng "không nên” khai thác thương mại cho đến khi có mã khai thác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục