Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 13/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp thảo luận hoạt động của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (gọi tắt là Cơ chế) với sự tham gia và báo cáo của Thẩm phán Carmel Agius, Chủ tịch Cơ chế và ông Serge Brammertz, Công tố viên Cơ chế.
Thẩm phán Agius cho biết trong 6 tháng qua, Cơ chế đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong công tác xét xử, theo đó đã ban hành 3 bản án, tiếp nhận 2 vụ việc phúc thẩm khác và đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử một trường hợp; duy trì thực hiện các chức năng khác như quản lý thi hành án, bảo đảm quyền của những người thuộc thẩm quyền quản lý, bao gồm quyền lợi về y tế theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thẩm phán Agius cũng thông tin về Thỏa thuận vừa đạt được giữa Cơ chế và Chính phủ Niger trong việc chuyển giao, tiếp nhận cũng như tái định cư 9 người đã trắng án và được thả tự do. Những người này đã ở Tanzania hơn 10 năm qua.
Công tố viên Cơ chế khẳng định cam kết truy bắt các nghi phạm phạm tội diệt chủng tại Rwanda còn đang lẩn trốn cũng như hỗ trợ các cơ quan tư pháp quốc gia trong truy tố các tội ác nghiêm trọng.
Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ ủng hộ vai trò của Cơ chế trong thực thi công lý, truy cứu trách nhiệm với những người được cho là phạm tội ác nghiêm trọng, kêu gọi các nước liên quan hợp tác và hỗ trợ Cơ chế, đề nghị Cơ chế bảo đảm tuân thủ tiến độ xét xử, xây dựng lộ trình cắt giảm quy mô và kinh phí theo đúng tính chất là Cơ chế có “quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả, tạm thời với cơ cấu và chức năng giảm dần theo thời gian.”
[Việt Nam chủ trì cuộc họp Nhóm Công tác của HĐBA về các tòa án quốc tế]
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Nhóm làm việc không chính thức của Hội đồng Bảo an về các tòa án quốc tế trong 2 năm qua, nhất là về thúc đẩy hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và Cơ chế.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Liên hợp quốc, ghi nhận các nỗ lực của Cơ chế trong triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết 2529 (2020) của Hội đồng Bảo an, ủng hộ Cơ chế hoàn thành các hoạt động xét xử và chức năng khác đúng thời hạn, thực hiện đúng tầm nhìn của Hội đồng Bảo an.
Đại sứ nhấn mạnh quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong truy tố, xét xử tội ác quốc tế nghiêm trọng, do đó cần hỗ trợ các quốc gia tăng cường năng lực xét xử khi có yêu cầu.
Tại cuộc họp cuối cùng của Việt Nam về chủ đề này với tư cách thành viên Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Nhóm công tác Tòa án quốc tế, Đại sứ khẳng định Việt Nam cam kết thúc đẩy việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn Hội đồng Bảo an duy trì đồng thuận, đoàn kết trong ủng hộ công việc của Cơ chế./.