Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong ngày 29/11 ở Brussels, các nước EU đã chia rẽ liên quan tới việc nhượng bộ về chính trị và tài chính đối với Ankara để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Hội nghị tại Brussels với sự tham dự của lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu để bàn về vấn đề di cư được đánh giá sẽ "không dễ dàng" trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa đẩy EU vào tình thế khó xử khi không quân nước này bắn hạ một máy bay Su-24 của Nga ở biên giới với Syria.
Hiện EU đang rất cần sự hợp tác của Nga trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Mục đích của hội nghị này kiềm chế làn sóng người di cư xâm nhập vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc yêu cầu Ankara siết chặt kiểm soát biên giới, đồng thời nhận lại nhiều hơn nữa những người di cư trái phép vào châu Âu. Bên cạnh đó, EU sẽ xem xét giải ngân 3 tỷ euro để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với làn sóng người di cư trên lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin ngoại giao, các quốc gia thành viên EU có thể sẽ không quyết định vấn đề hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ. EC đề xuất trích 500 triệu euro từ ngân quỹ của EU và yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp phần còn lại, song không nhận được sự nhất trí từ các thành viên.
Kể từ đầu năm đến nay, hơn 700.000 người di cư đã tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hiện tiếp nhận hơn 2 triệu người di cư và xin tị nạn. Bằng cách tiếp nhận nhiều hơn nữa người di cư hoặc hạn chế họ tới châu Âu, Ankara không muốn mất cơ hội "ghi điểm" trong hợp tác với châu Âu, nhằm tiến tới việc gia nhập EU trong tương lai.
Một quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh thông qua hội nghị này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn "khởi động lại mối quan hệ với EU."
Hiện một số quốc gia thành viên EU vẫn chưa muốn kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này do vấn đề liên quan đến đảo Síp và những nhạy cảm với quốc gia có hơn 95% dân số theo đạo Hồi này./.