Theo biên bản cuộc họp chính sách hồi tháng Ba của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các thành viên của cơ quan này đang “chia rẽ” giữa hai xu hướng lạc quan và cẩn trọng, khi một số người cho rằng tăng lãi suất có thể là quyết sách phù hợp vào cuối năm nay, trong khi những người khác tỏ ra thận trọng hơn, thậm chí là ủng hộ hạ lãi suất.
Sau phiên họp chính sách kéo dài từ 19-20/3, Fed ra thông báo giữ nguyên lãi suất 2,25-2,5%. Cơ quan này đã không hạ lãi suất cho vay trong hơn một thập kỷ, song đã tăng lãi suất bốn lần trong năm ngoái.
Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cho thấy những quan điểm trái chiều về khả năng ứng phó của kinh tế Mỹ.
Fed đã giữ quan điểm thận trọng hơn giữa những dấu hiệu về sự giảm tốc của kinh tế Mỹ trong quý I năm 2019, do sự giảm sút tiêu dùng, những lo ngại về tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại và các vấn đề quốc tế như Brexit.
[Nhà Trắng yêu cầu Fed giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế Mỹ]
Fed cũng lưu ý đến những số liệu đáng thất vọng về tăng trưởng toàn cầu và thực tế sự thúc đẩy từ gói kích thích kinh tế đối với kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 29/3 đã hối thúc Fed hạ lãi suất để bảo vệ nền kinh tế.
Nói về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu với nguy cơ đe dọa đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ, ông Kudlow đề cập đến việc Khu vực sử dụng đồng euro gần như đang suy thoái, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng rất thấp khi tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ, còn Mỹ Latinh cũng có những vấn đề.
Ông cho biết Mỹ cũng như tất cả các nước khác trên thế giới nhận thức được những mối đe dọa này và Tổng thống Donald Trump cũng muốn Fed ngừng cắt giảm danh mục đầu tư trái phiếu Bộ Tài chính.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cũng có phát biểu nhằm vào quyết định tăng lãi suất của Fed.
Viết trên trang Twitter, ông Trump cho rằng Fed không nên tăng lãi suất một cách sai lầm, nhất là khi lạm phát rất thấp và không nên thắt chặt định lượng vào thời điểm không thích hợp, khi tăng trưởng GDP ở mức 3%, các thị trường chứng khoán đều cần phải mạnh hơn và các thị trường trên thế giới cũng cần khởi sắc hơn./.