Các tập đoàn có thể khởi kiện đòi bồi thường vì COVID-19 hay không?

Một chuyên gia cho rằng các tập đoàn có thể để đòi bồi thường lên đến hàng triệu USD thiệt hại gây ra bởi các biện pháp hạn chế xã hội và kinh tế được các chính phủ áp dụng nhằm đối phó với COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 27/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong một bài viết gần đây trên trang The Conversation, Tiến sỹ Patricia Ranald - chuyên gia về thương mại công bằng của trường Đại học Sydney (Australia) - cho rằng các công ty toàn cầu đang tính tới việc sử dụng những quy định ít được biết đến trong các hiệp định thương mại, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để đòi bồi thường lên đến hàng triệu USD thiệt hại gây ra bởi các biện pháp hạn chế xã hội và kinh tế được các chính phủ áp dụng nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.

Các quy định trên có tên là “Thủ tục giải quyết tranh chấp giữa Nhà đầu tư-Nhà nước” (ISDS), cho phép các tập đoàn và công ty khởi kiện chính phủ ra trước các tòa án bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Thủ tục ISDS được xác lập trong CPTTP cùng nhiều thỏa thuận song phương và khu vực khác nhưng không tồn tại trong các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) - cơ quan có chức năng quản lý thương mại toàn cầu.

[Nhiều tập đoàn trên thế giới "hụt hơi" do dịch bệnh COVID-19]

Tiến sỹ Ranald cho biết năm 2011, công ty thuốc lá Philip Morris đã sử dụng các quy định trên trong thỏa thuận đầu tư giữa Hong Kong và Australia để đòi Chính phủ Australia bồi thường thiệt hại nhiều tỷ USD gây ra bởi việc thông qua đạo luật về in nhãn trên các bao thuốc lá. Kết quả là Australia đã phải mất 7 năm và tiêu tốn 7 triệu USD cho vụ kiện này.

Cho đến nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều các vụ kiện như vậy nhằm chống lại chính phủ do ban hành các quy định về cắt giảm lượng khí thải CO2 và chống biến đổi khí hậu.

Mới đây, công ty luật trọng tài quốc tế Aceris Law LLC đã thông báo với các khách hàng của mình rằng các cách thức nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 có khả năng vi phạm nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau được quy định trong thỏa thuận đầu tư song phương và có thể làm phát sinh các khiếu nại của các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Trong khi đó, công ty luật Alston & Bird của Australia cũng đăng quảng cáo cho một sự kiện có tên là “Làn sóng sắp tới của các vụ kiện trọng tài liên quan đến đại dịch COVID-19.”

Nhiều chuyên gia pháp lý cũng dự báo về khả năng chính phủ các nước phải đối mặt với một loạt các vụ kiện ISDS sau khi đại dịch kết thúc.

Bài viết cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể cáo buộc các chính phủ vi phạm các điều khoản của ISDS về “chiếm đoạt trực tiếp” do đã chiếm dụng các cơ sở và thiết bị y tế và các tài sản khác của tư nhân để sử dụng cho mục đích công cộng.

Trong khi đó, các lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh có thể bị cáo buộc là sự “chiếm đoạt gián tiếp.”

Bên cạnh đó, theo bà Ranald, đại dịch COVID-19 cũng đang đặt ra một số vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại của Australia.

Thứ nhất, các hiệp định này đã được đàm phán một cách bí mật mà không có đánh giá độc lập về chi phí và lợi ích.

Thứ hai, các thỏa thuận mở cửa các dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả y tế, cho đầu tư tư nhân từ nước ngoài với rất ít kiểm soát.

Thứ ba, nhiều thỏa thuận cũng cho phép các công ty dược phẩm tăng thời gian độc quyền đối với các loại thuốc mới lên 20 năm, làm chậm trễ sự sẵn có của các loại thuốc giá rẻ.

Thực tế bùng phát của đại dịch trong thời gian vừa qua đã buộc Chính phủ Australia phải xem xét lại các vấn đề trên.

Canberra đã yêu cầu các bệnh viện tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19 và hỗ trợ các công ty trong nước tái lập năng lực sản xuất thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang.

Cùng với đó, chính phủ cũng đã tăng cường giám sát đầu tư nước ngoài - một biện pháp vốn thường bị các hiệp định thương mại bác bỏ.

Dựa trên các phân tích trên, Tiến sỹ Ranald đề xuất các chính sách thương mại hậu COVID-19 cần tránh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch bằng cách dựng lên các bức tường biên giới hay áp đặt mức thuế quan cao.

Các quốc gia, trong đó có Australia, cần tránh rơi vào cái bẫy phải chọn phe nào trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Các hiệp định thương mại cần được đàm phán một cách công khai trong một hệ thống có tính đến nhu cầu cụ thể của các nước đang phát triển.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại cần tăng cường tiêu chuẩn về môi trường và quyền lao động đã được quốc tế thống nhất và có tính khả khi, cho phép các quốc gia như Australia duy trì năng lực sản xuất cần thiết trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và cho phép chính phủ áp dụng các biện pháp quản lý vì mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh, các thỏa thuận thương mại không nên làm tăng sự độc quyền đối với các loại thuốc chữa bệnh, hoặc trao thêm quyền, ví dụ như tạo ra cơ chế ISDS, cho các tập đoàn toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục