Theo Straits Times, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) bị tố là tổ chức các hoạt động định hướng không phù hợp đối với tân sinh viên, thậm chí các trò chơi có dấu hiệu quấy rối tình dục.
Chloe, một sinh viên năm thứ nhất, 19 tuổi, kể rằng cô đã ra khỏi phòng khi phải trả lời các câu hỏi rất "chướng tai."
Các câu hỏi đề cập đến những đề tài khá nhạy cảm, chẳng hạn như cô muốn uống chất lỏng của người đàn ông nào, ai trong số họ là người bẩn thỉu nhất và ai sẽ không bao giờ kết hôn và chết trong cô đơn...
"Ngay từ đầu đã không muốn tham gia nhưng tôi sợ nhóm sẽ cho rằng tôi làm bộ làm tịch và tẩy chay tôi."
Cô cũng cho biết chương trình cũng có những phần về giải phẫu nam khiến cô ngượng đỏ mặt.
"Tôi không thích các hoạt động này nhưng đó là truyền thống được truyền lại từ trước," cô nói.
Khoảng 1 thập niên vừa qua, chương trình định hướng của Đại học Quốc gia Singapore bị phàn nàn vì liên quan đến vấn đề giới tính và nhiều nữ sinh cảm thấy bị quấy rối vì các trò chơi "động chạm cơ thể."
Kim, một sinh viên 19 tuổi, cho rằng cô bị nhiều người vồ vào người trong một trò chơi liên quan đến xà phòng và nước.
"Tôi không biết họ sờ vào những đâu. Kết thúc trò chơi, cả người tôi đau nhừ. Đó là một trải nghiệm đáng sợ," cô kể.
Một trong những hình phạt của trò chơi là yêu cầu một nam sinh năm thứ nhất diễn lại cảnh hiếp dâm giữa một thanh niên với chính em gái của mình. Nhiều sinh viên thậm chí không muốn xem cảnh tượng này.
Cô gái phải nằm trên sàn, sau đó một anh chàng giả vờ mở cửa đi vào và nói: "Anh đến đây." Cô em đáp lại: "Em không muốn". Sau đó chàng trai phải nằm đè lên người cô gái. Trong suốt trò chơi, mặt cô gái tỏ rõ sự khó chịu.
Kim cảm thấy bị tổn thương khi phải chứng kiến những sự việc như vậy. Cô nói nhiều hoạt động khiến cô muốn khóc.
"Tại sao họ lại có thể nghĩ ra những ý tưởng như vậy? Tôi muốn thoát ra khỏi những cảnh tượng tồi tệ đó," Kim nói.
Một nhóm nữ sinh muốn bỏ trò chơi, nhưng nhóm trưởng ngăn lại và bắt phải chơi hết mới thôi.
Các trưởng nhóm này là những sinh viên kỳ cựu ở NUS và chương trình này do Hội sinh viên NUS tổ chức.
Trên trang web, Hội này tuyên bố rằng: "Hội phấn đấu để duy trì tầm nhìn về việc trở thành tổ chức đại diện, toàn diện và đáng tin cậy để thúc đẩy, bảo vệ, duy trì lợi ích và quyền lợi của sinh viên NUS."
Tuy nhiên, nhiều người đã gửi thư tố cáo rằng các hoạt động định hướng của Hội này là quấy rối tình dục.
Phát ngôn viên của Hiệp hội Nghiên cứu và Hành động vì phụ nữ cho rằng các hoạt động như vậy tạo ra sự "xa lánh hơn là liên kết," trong khi một luật sư cho rằng nên báo sự việc này với cảnh sát.
Khi được hỏi vì sao để tình trạng này tiếp diễn trong thời gian quá dài, trong khi đã có rất nhiều lời phàn nàn, phát ngôn viên NUS nói rằng trường đang xem xét vấn đề này.
"Tại NUS, các hoạt động định hướng nhằm chào đón tân sinh viên và gắn kết họ trong môi trường đại học và đời sống sinh viên," người này nói. "Việc tham gia hoạt động này là hoàn toàn tự nguyện. Các nhóm trưởng được nhắc nhở là tổ chức các hoạt động giúp các sinh viên mới gắn kết với nhau."
"Phòng Công tác sinh viên đã nhận được phản hồi về một số hoạt động không thích hợp. Chúng tôi cũng đề nghị tân sinh viên thông báo nếu thấy các trò chơi không phù hợp. Chúng tôi sẽ kỷ luật nghiêm khắc bộ phận tổ chức," người phát ngôn nhà trường cho biết.
Tân sinh viên Kim tâm sự: "Điều tôi muốn chỉ đơn giản là có thêm những người bạn mới, tại sao tôi phải tham gia các hoạt động như vậy. Nhưng cũng kết thúc chương trình rồi, và chúng tôi chẳng thể làm gì."
Các hoạt động chào đón tân sinh viên tại các trường đại học ở Singapore đã bị phàn nàn rất nhiều lần nhưng thực tế chẳng có gì chuyển biến trong gần chục năm qua.
Năm 2006, The Straits Times cho biết sinh viên bị bắt chạm môi và rửa nách tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và các trò chơi tại NUS khiến sinh viên thấy ngượng chín mặt.
Năm 2009, một sinh viên NUS phải tham gia một hoạt động mà nam sinh chống đẩy trên người nữ sinh.
Các hoạt động tương tự cũng được tổ chức tại NUS năm 2009, khi các nam sinh phải nằm lên người nữ sinh ngay trên sàn nhà.
Năm 2011, một nữ sinh đã phát khóc vì phải tham gia hoạt động định hướng tại Viện Quản lý Singapore thuộc Đại học London.
Bà Jolene Tan, 33 tuổi, quản lý cao cấp của Hội Nghiên cứu và Hành động vì phụ nữ cho rằng các hành động này không nên được khuyến khích, và nên hành động để bảo vệ sinh viên.
"Những hoạt động này hoàn toàn không phù hợp và khuyến khích việc bắt nạt cũng như quấy rối tình dục đối với phụ nữ," bà nói./.