Các sự kiện thể thao có là cú hích đối với nền kinh tế?

Một số chuyên gia cho rằng, lợi ích kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao hoành tráng thường không bền vững.
Các sự kiện thể thao có là cú hích đối với nền kinh tế? ảnh 1Lợi ích từ các sự kiện thể thao thường không bền vững. (Nguồn: THX/TTXVN)

Những sự kiện thể thao lớn như World Cup hay Olympic không chỉ là cơ hội “vàng” để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của quốc gia đăng cai, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, là nguồn cảm hứng hun đúc tinh thần thể thao, mà nó còn là “chất xúc tác” để nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, lợi ích kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao hoành tráng thường không bền vững.

Chẳng hạn, GDP của Vương quốc Anh mặc dù có tăng sau khi tổ chức Olympic London 2012, nhưng sau đó “sức khỏe” nền kinh tế này lại đi xuống vào cuối năm. Hy Lạp đã dốc túi chi khoảng 11 tỷ USD để tổ chức Olympic Athens năm 2004, và đây bị quy là một trong những nguyên nhân đưa nước này vào cơn bão nợ công.

Để chuẩn bị cho World Cup 2014, Chính phủ Brazil đã bỏ ra gần 11 tỷ USD. Phần lớn số tiền này được dùng để phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup theo đúng tiêu chuẩn cùa Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Và hiện giờ kịch bản Brazil trở thành con nợ không thể loại trừ.

Còn với Olympic Sochi vừa qua, hai hãng xếp hạng tín dụng Moody’s và Fitch đều cho rằng sự kiện thể thao này tuy không đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho Nga nhưng cũng “vô hại”, bởi mức đầu tư 50 tỷ USD mà Nga bỏ ra chỉ tương đương 2,5% GDP nước này năm 2013.

Theo thống kê vừa được công bố, thu nhập từ việc tổ chức Olympic Sochi của Nga cao hơn chi phí là 1,5 tỷ rúp.

Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời Phó thủ tướng Nga Dmitry Kozak tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng phát triển văn hoá thể thao du lịch rằng số lợi nhuận trên sẽ được đầu tư để phát triển thể thao quần chúng.

“Các trận thi đấu thành công không chỉ ở chỗ đã tạo ra được cơ sở hạ tầng, ở thành tựu thể thao, mà cả trong tổ chức kinh doanh” - Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh.

Việc lựa chọn Sochi làm địa điểm tổ chức thế vận hội đã tạo điều kiện phục hồi kinh tế khu vực Kavkaz vốn bị thiệt hại trong cuộc xung đột Chechnya. Việc đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng cũng góp phần kiến tạo hàng nghìn việc làm.

Dự kiến, nhiều cơ sở vật chất tại Sochi sẽ được tận dụng lại khi Nga đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2018. Chuyện chi phí xây dựng cho Olympic vượt dự toán gần như là “tất yếu.” Theo nghiên cứu của Allison Stewart, giảng viên Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford, tính trung bình, các dự án này vượt dự kiến 179%.

Khi giành quyền đăng cai năm 2007, Nga cho biết Olympic Sochi sẽ chỉ tốn 12 tỷ USD. Nhưng sau đó, con số này ngày càng “nở” ra do phải xây nhiều địa điểm thi đấu, đường sá và khách sạn. Số tiền được ban tổ chức công bố chi cho kỳ thế vận hội mùa Đông thứ 22 trước giờ khai cuộc đã vượt 50 tỷ USD.

Con số này cao hơn nhiều so với mức 40 tỷ USD mà Trung Quốc chi cho Thế vận hội mùa Hè Bắc Kinh 2008 và gấp ba lần Olympic London 2012. Tính trung bình, mỗi nội dung thi đấu tại Olympic Sochi có giá gấp gần bốn lần Bắc Kinh 2008.

Cụ thể, tạp chí Business Week ước tính Trung Quốc chi khoảng 132 triệu USD cho mỗi môn thi đấu ở Olympic Bắc Kinh, trong khi Nga bỏ ra tới 520 triệu USD cho mỗi môn thi đấu tại Olympic Sochi.

Không tán thành cách tính toán trên, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế IOC Thomas Bach cho rằng không nên đưa các khoản đầu tư hạ tầng như xây dựng đường sá, hệ thống xử lý rác hay hệ thống điện lực vào tổng chi phí cho Olympic.

Với trường hợp Sochi , “sự chuyển đổi từ một thành phố nghỉ dưỡng mùa Hè thành một trung tâm du lịch quanh năm không phải là chi phí cho Olympic,” ông Bach nhấn mạnh. Các quan chức Nga cũng có quan điểm tương tự.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Nga Alexander Zhukov nói: " Sochi từng chỉ có một con đường. Nay khoảng 20 con đường mới được xây. Có hệ thống xử lý rác mới, nhà máy điện mới, đường ống dẫn gas mới. Nhưng đó không phải là chi phí Olympic." Hãng Moody’s từng cảnh báo các khoản đầu tư vào Sochi chưa chắc đủ lực để thúc đẩy du lịch nhằm bù đắp các chi phí đã bỏ ra.

Ngoài ra, Moody’s còn cho rằng chính quyền thành phố Sochi và vùng Krasnodar sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động của hệ thống hạ tầng thể thao sau khi Olympic kết thúc. Và con số này có thể lên đến 2 tỷ USD mỗi năm.

Trước đó, để nhận được quyền đăng cai Thế vận hội, Hy Lạp đã mạnh tay đầu tư choa hàng loạt các công trình phục vụ cho các sự kiện thể thao, và mong đợi đó sẽ là cái phao cứu sinh cho nền kinh tế vốn đã trì trệ.

Với chi phí gần 9 tỷ euro (11 tỷ USD), Thế vận hội Athens 2004 là kỳ Olympic tốn kém nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó và số tiền trên đã vượt gần gấp đôi so với dự tính ban đầu, do nhiều chi phí phát sinh vào phút chót, trong đó có chi phí đảm bảo an ninh sau sự kiện 11/9.

Vấn đề là tại thời điểm năm 2001, quốc gia này vừa trải qua một thời gian dài phấn đấu để dủ tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), do vậy nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Chính những khoản chi tiêu vung tay quá trán đã làm trầm trọng thêm tình trạng nợ công và khoảng một năm sau Hy Lạp chính thức là quốc gia đầu tiên ở châu Âu phải chịu sự giám sát tài chính của EU.

Theo Moody’s, những đối tượng thực sự “đắc lợi” từ các sự kiện thể thao là các nhà tài trợ, như Coca Cola, McDonald’s hay Proctor & Gamble, khi các sản phẩm của họ được quảng bá rầm rộ trên quy mô toàn cầu.

Những doanh nghiệp này đã chi trung bình khoảng 100 triệu USD để trở thành nhà tài trợ của Olympic, bên cạnh đó là hàng loạt khoản tiền khác nhằm hỗ trợ các chiến dịch marketing./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục